Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Hơn 8 triệu người thoát nghèo và cận nghèo"
(Dân trí) - "Giai đoạn năm 2016-2019: Cả nước giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn, tương ứng với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo...".
Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.
Chương trình được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, sáng 11/12.
Thu nhập của người nghèo tăng 2,3 lần
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã giúp đem nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện được điều đó, Quốc hội và Chính phủ đã rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo thông qua nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể.
Chỉ riêng chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo đã là khoảng 25.000 tỷ/năm chi cho hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện…
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tới thời điểm này, thu nhập bình quân của người nghèo đã tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020, hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Chương trình còn giúp hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài…".
Trên cơ sở đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn.
"Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, văn bản chỉ đạo; ban hành 9 văn bản nhằm sửa đổi, bổ sung, tích hợp các chính sách để triển khai Nghị quyết 76. Các bộ, ngành đã ban hành 121 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 76. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở cấp Trung ương và cấp địa phương giai đoạn 2016-2020…" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tổng số khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15 nghìn công trình, khoảng 7 nghìn công trình được duy tu bảo dưỡng. Theo tổng hợp từ các địa phương, 32 huyện nghèo và 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Những thực tế trên chính là cơ sở để các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả".
Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1%, năm 2015 là 9,88%. Nhưng tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75%. Năm 2020, tỷ lệ dự kiến còn 2,75%.
Bộ trưởng đơn cử: "Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%".
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong công tác triển khai chính sách giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng khẳng định việc thực phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.
"Các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là người nghèo đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương sáng nổi bật" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Điển hình trong cộng đồng như trường hợp cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; 25 hộ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và nhiều tấm gương sáng, điển hình thoát nghèo khác trên cả nước.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ cho người nghèo, thực hiện mục tiêu "Chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau".
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Về chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Chính phủ và các địa phương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo
Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng.
Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.
Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn như luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc huyện nghèo; thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020…Bên cạnh đó, 63 tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo.
Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như: Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030, xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác quản lý nhà nước…
Các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với tình trạng bão lũ ở miền Trung năm 2020: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 1.250 tỷ đồng và gần 20 nghìn tấn gạo, hỗ trợ nhiều thiết bị cứu hộ cứu nạn, nhu yếu phẩm cho người dân. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành chức năng, nhân dân cả nước đã quyên góp hơn 1000 tỷ đồng, hàng triệu tấn hàng hóa cho nhân dân vùng bị bão lũ.
Liên quan tới ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng. Gần 13 triệu người dân, người lao động và gần 30 nghìn hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí 12,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo đều đã được thụ hưởng đầy đủ.
Người lao động phải ngừng việc gặp khó khăn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc với số tiền gần 15 tỷ đồng cho trên 4.200 người lao động.