Bộ trưởng báo tin vui khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc

Hoa Lê

(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời báo cáo về điển hình thực hiện chính sách xã hội, phát huy vai trò của người yếu thế.

Chính sách xã hội triển khai kịp thời

Giải trình trước Quốc hội về một số ý kiến thảo luận của các đại biểu trong chiều 4/11 về các lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khái quát, thời gian qua, các chính sách xã hội triển khai cơ bản đúng, đủ và kịp thời, tạo nên những chuyển biến quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả.

Trong đó, các chính sách người có công được kể đến là điểm nổi trội, cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo nguyên tắc đảm bảo an sinh tối thiểu, nâng dần các mức trợ giúp xã hội.

Về kết quả giảm nghèo ở mức giảm 1,93% đạt được năm nay, Bộ trưởng khẳng định, đây là cố gắng lớn của cả nước trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra.

Tiếp nữa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, lần đầu tiên chỉ tiêu về năng suất lao động tăng 5,56%, đạt yêu cầu đề ra.

Và điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc. Cụ thể, theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 54, cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6.

Bộ trưởng báo tin vui khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Phạm Thắng).

"Nói một cách khiêm tốn, khách quan nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt chính sách xã hội, nhất là so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng.

Cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội, phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội", Bộ trưởng dẫn chứng.

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Về đào tạo nhân lực, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh đào tạo nguồn lao động đại trà, cả nước cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đó là nền tảng để Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025 vào tốp 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng cần tập trung vào 2 đề án lớn và một số vấn đề cơ bản.

Đề án thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thứ hai là đề án phát triển nhân lực chất lượng cao, phục vụ định hướng phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng báo tin vui khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc - 2

Đại biểu Quốc hội thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Bên cạnh đó, một số đề án cần quan tâm là có chính sách hữu hiệu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công.

Trong đào tạo đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phải thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất và coi đây là khâu đột phá với hệ đào tạo này.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, cần tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, chú trọng hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, lấy kết nối hoạt động đào tạo với doanh nghiệp là trọng yếu và mang tính chất quyết định.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh định hướng với 2 vấn đề lớn là xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề quan trọng mang tính chất chiến lược.

Ông khuyến cáo thời gian tới, cả nước cần tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ này và phải bắt đầu ngay từ năm 2025.

Giải pháp giảm thất nghiệp nhóm lao động trẻ

Về chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở mức 7,92%, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề rất được quan tâm. So với các tiêu chí về thất nghiệp thì chưa hẳn toàn bộ mà còn có cả số thanh niên thiếu việc làm, chưa có việc ổn định, bền vững.

Ông nêu con số so sánh, ở các nước châu Á, Đông Nam Á, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp trong thanh niên đang tăng rất nhanh. Mức bình quân khu vực Đông Nam Á là 9,5%, Brunei là 24%, Timor-Leste là 13,3%... Ở Trung Quốc tính đến tháng 8, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18-24 thất nghiệp là 18,8%, tức là cứ 5 thanh niên thì 1 người thất nghiệp và thiếu việc làm.

Vị trưởng ngành phân tích: "Mặc dù tình hình chưa thật an tâm, nhưng 7,92% là con số có thể chấp nhận được. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế vẫn ở ngưỡng cho phép".

Lý giải nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập yếu tố kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, Việt Nam cũng như các nước chịu tác động bởi những yếu tố bất ổn khiến sản xuất kinh doanh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ có phần khó khăn để thích ứng.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ, gia tăng cạnh tranh với nhóm lao động trẻ. Một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối nhảy việc ngắn hạn dẫn đến phần thất nghiệp tạm thời.

Bộ trưởng báo tin vui khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc - 3

Bộ trưởng nêu các giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên (Ảnh: Thanh Bình).

Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ, chủ trương chung là hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động việc làm, tập trung phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhà nước cũng chú trọng chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên.

Thứ ba là chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý.

Thứ tư, chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.

Thứ năm là đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo.

Thứ sáu là triển khai chế độ, chính sách lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm.

Thứ bảy là sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để nâng đỡ, không để thanh niên thất nghiệp dài.

Thứ tám, giải pháp hài hòa lao động trong nước với tạo điều kiện cho thanh niên, lao động trẻ đi làm việc nước ngoài.

Thứ chín, ưu tiên việc làm trong nước, hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài làm công việc phổ thông.

Sau cùng là giải pháp tập trung quản trị lao động thị trường chính quy hơn, chặt chẽ, hiệu quả, gắn với cung cầu lao động.

Với chính sách nhà ở, người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, chỉ đạo đồng bộ 3 chính sách hỗ trợ nhà ở người có công, chính sách hỗ trợ nhà cho người nghèo theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ những người không thuộc hai đối tượng trên đang khó khăn về nhà ở. Tổng cộng ba nhóm này có 153.000 đối tượng cần hỗ trợ.

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà với người có công. Đây là chính sách nhà nước có trách nhiệm đảm bảo. Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án. Theo quy định, Bộ sẽ trình thủ tướng Chính phủ hoàn thiện chính sách trong tháng 11.