1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH ban hành công văn khẩn về phòng, chống dịch Covid-19

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc công chức, viên chức và người lao động lây nhiễm Covid-19 tại cơ quan, đơn vị do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch...".

Đây là một phần nội dung Công văn hỏa tốc số 2308/LĐTBXH-VP của Bộ LĐ-TB&XH gửi Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo nội dung Công văn, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số ca nhiễm tăng cao, xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương.

Ngay sau đó, ngày 18/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

Tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) với người nhiễm Covid-19.

Trong Công văn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của chính quyền địa phương nơi có trụ sở của cơ quan, đơn vị; nhất là bảo đảm yêu cầu về giãn cách, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt của người ra vào cơ quan, đơn vị.

Căn cứ vào điều kiện, công việc cụ thể của đơn vị để chủ động xây dựng phương án làm việc tại đơn vị, đảm bảo bố trí số lượng công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị theo quy định của địa phương về phòng chống dịch.

Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên theo dõi, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, bảo đảm tối đa yêu cầu về tiến độ, chất lượng và hiệu quả; không để tình trạng nợ đọng, quá hạn nhiệm vụ được giao.

Cũng trong Công văn, Bộ yêu cầu việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, hạn chế tối đa các cuộc họp trực tiếp, chỉ tổ chức họp khi đảm bảo khoảng cách; tăng cường các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, các thủ tục hành chính.

Các đơn vị xây dựng phương án ứng phó khi có ca nhiễm hoặc trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.

Bộ cũng yêu cầu tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết ở các địa phương đang có dịch; trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra phải hạn chế số lượng người tham gia; tạm dừng công tác tiếp công dân tại trụ sở Bộ.

Căn cứ theo chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, các cơ sở y tế,... thuộc Bộ tuyên truyền, phổ biến và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế, chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở.

Công văn cũng nêu rõ: Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc công chức, viên chức và người lao động lây nhiễm Covid-19 tại cơ quan, đơn vị do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, thủ trưởng các đơn vị cần rà soát toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, đặc biệt là những người có liên quan từng tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 hoặc đến các địa điểm vào thời gian có khả năng lây nhiễm Covid-19 theo thông báo của Bộ Y tế, để có biện pháp xử lý phù hợp.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.