Bộ LĐ-TB&XH ký thỏa thuận triển khai Hiệp định bảo hiểm xã hội Việt - Hàn
(Dân trí) - Sáng 8/12, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Nguyễn Bá Hoan và lãnh đạo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cùng ký thỏa thuận hành chính về việc triển khai Hiệp định về BHXH giữa Chính phủ hai nước.
Hơn 400.000 lao động hai nước hưởng lợi
Đón tiếp Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và đoàn công tác phía Việt Nam tới làm việc, Thứ trưởng phụ trách kế hoạch và hợp tác Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Hyejin, trao đổi về các vấn đề bảo hiểm xã hội với người lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi đến thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi và đặc biệt là ký thỏa thuận hành chính giữa hai Bộ để triển khai Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về Bảo hiểm xã hội (được Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ký kết cuối năm 2021).
Ông nhấn mạnh, đây là một hoạt động làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung và giữa hai Bộ nói riêng. Đánh giá cao mối quan hệ đặc biệt của hai nước trong chặng đường 30 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai Hiệp định Bảo hiểm xã hội hai nước.
Hai bên phối hợp trong công tác quản lý lao động, chia sẻ thông tin và thực hiện các chính sách, chế độ đảm bảo quyền lợi cho lao động hai nước theo Hiệp định đã ký kết. Phối hợp trong trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, để thực thi Hiệp định, thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực trao đổi với Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc. Việt Nam cũng chủ động tham mưu để sửa đổi luật BHXH. Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, dự luật đã được đưa ra thảo luận lần đầu, giờ đang được tiếp thu, hoàn thiện để thông qua vào kỳ họp tháng 5 năm 2024. Luật BHXH mới sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Thêm bản thỏa thuận hành chính ký kết hôm nay, hai nước có thêm cơ sở để các cơ quan thực hiện các điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024.
Năm 2006, Việt Nam chính thức có luật BHXH đầu tiên, sửa đổi năm 2014. Từ 2018, lao động người nước ngoài chính thức được tham gia BHXH tại Việt Nam.
Hiện tại, ở Việt Nam, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đã đạt gần 39% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến 2030 phấn đấu đạt 60%. Quỹ BHXH của Việt Nam cũng có mức kết dư lớn, được đánh giá là bền vững, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH Trần Hải Nam khẳng định, tới đây, luật BHXH mới có hiệu lực sẽ có thêm những điều kiện để thực hiện các nội dung 2 bên ký kết trong Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.
"Với những kế hoạch cụ thể và quyết tâm chính trị cao của 2 phía, tôi tin rằng, với hơn 200.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hàn Quốc và ngược lại, số lượng tương ứng người Hàn Quốc đang ở tại Việt Nam, sẽ sớm được thụ hưởng các chính sách ưu việt hơn. Tôi tin việc thực thi Hiệp định và bản thỏa thuận hôm nay sẽ đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân 2 quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.
Với các nội dung đã thỏa thuận, từ 1/1/2024, người lao động hai nước sẽ tránh được việc đóng bảo hiểm xã hội song trùng và sau đó là cơ chế để cộng gộp quá trình đóng bảo hiểm cho người lao động tại cả 2 nước.
Quỹ lương hưu bền vững
Thảo luận về các nội dung đề ra, ông Park Jae Man - Giám đốc Bộ phận chính sách bảo hiểm xã hội (Cục hưu trí quốc gia) Hàn Quốc - thông tin, từ hệ thống đầu tiên thành lập từ những năm 1960, tới nay, Hàn Quốc đã có 22 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có 6,5 triệu người hiện thụ hưởng chế độ hưu trí. Mức lương hưu trung bình một người tham gia bảo hiểm 20 năm nhận được là hơn 1,1 triệu won/tháng, nhiều gia đình cả 2 vợ chồng nhận được hơn 3 triệu won/tháng.
Đáng mừng, mức độ tham gia và tỷ lệ thụ hưởng đều đang tăng trong tương lai.
Quỹ hưu trí của Hàn Quốc với quy mô hơn 900 tỷ won, quy mô đứng thứ 3 thế giới, dự kiến năm tới sẽ vượt lên hơn 1.000 tỷ won. Giám đốc Park Jae Man khẳng định, hệ thống hưu trí về vĩ mô đảm bảo tính bền vững.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải Hàn Quốc phải giải quyết là so với kế hoạch ban đầu, mức tăng trưởng dân số không thấp như hiện tại. Vì tỷ lệ sinh giảm mạnh nên nhiều chính sách phải thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo sự ổn định, bền vững của quỹ lương hưu.
Về phía Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH Trần Hải Nam cũng thông tin cụ thể về việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam. Cũng như Hàn Quốc, Việt Nam đã triển khai chính sách BHXH từ những năm 1960. Ban đầu, chính sách mới chỉ tập trung vào đối tượng cán bộ công chức nhà nước. Đến 1995, chính sách mở rộng ra nhiều đối tượng trong các thành phần kinh tế, áp dụng ở những đơn vị sử dụng 10 lao động trở lên.