"Bộ Lao động đóng góp lớn với việc cải cách tiền lương"
(Dân trí) - Nêu ý nghĩa việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là để cải cách chế độ tiền lương hiệu quả, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH đóng góp lớn với việc cải cách tiền lương.
Đây là nội dung Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao trao đổi tại cuộc làm việc của đoàn khảo sát về quản lý biên chế của Trung ương với Bộ LĐ-TB&XH chiều nay, 30/11.
5 năm, cả nước tinh giảm được hơn 700.000 biên chế
Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn khảo sát, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Ban Chấp hành Trung ương lập 7 đoàn khảo sát để lắng nghe ý kiến các cơ quan Bộ, ngành về việc tinh giảm biên chế, đồng thời nhận diện những vấn đề để đưa ra các chính sách sát thực tế, tránh tình trạng oan sai, khiếu nại về tinh giảm biên chế. Nội dung các cuộc khảo sát sẽ là căn cứ để báo cáo Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về những quyết sách quan trọng thời gian tới.
Ông Bình cho biết, về vấn đề quản lý biên chế, Trung ương Đảng đã có nhiều Nghị quyết quan trọng, có Nghị quyết 18, Nghị quyết 19; Bộ Chính trị có Nghị quyết 39... Nội dung cơ bản của các văn bản chỉ đạo là những giải pháp để giảm biên chế, sắp xếp tổ chức, nâng cao hoạt động và hiệu quả.
"Các biện pháp áp dụng là để làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn và hiệu quả hơn. Sau khi sắp xếp, tinh giản biên chế, cả nước sẽ thực hiện việc cải cách chế độ tiền lương. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan có đóng góp lớn với việc cải cách tiền lương", Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Đánh giá về công tác tinh giản biên chế trên cả nước, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khái quát: "Toàn hệ thống đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Kết quả bước đầu, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức... cả nước tinh giản được hơn 700.000 người, tương đương 9% (mục tiêu 10%)".
Trưởng đoàn khảo sát cũng nhận định: "Dù chúng ta đạt được mục tiêu là giảm số lượng, nhưng việc khảo sát của các đoàn trên phạm vi cả nước cho thấy, ở một số nơi, việc tinh giản biên chế chưa đáp ứng được chủ trương của Đảng, phần lớn là giảm tự nhiên như các Bộ, ngành dừng tuyển dụng, giảm biên chế ở những người về hưu, người có vấn đề, yếu phẩm chất kém... Bản chất của việc này là giảm biên chế cơ học".
Đánh giá hoạt động quản lý biên chế của Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Hòa Bình xác định, việc tinh giản biên chế ở các cơ quan thuộc Bộ thời gian qua khá tốt, trong đó có việc giảm biên chế nhưng vẫn tăng được hiệu quả, chất lượng và tính tự chủ của các trường Đại học trực thuộc Bộ.
Bên cạnh quản lý tốt biên chế, qua quan sát, theo ông Bình, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất được rất nhiều chủ trương, chính sách an sinh tốt, đi cùng với đó là đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Các chính sách, hoạt động được nhân dân ghi nhận.
Ông Bình khẳng định: "Cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhiều lần báo cáo Trung ương. Bộ LĐ-TB&XH có nhiều sáng kiến, hầu hết các đề án, đề xuất chính sách được trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đánh giá rất cao".
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, Bộ là cơ quan đặc thù, có những vấn đề, lĩnh vực quản lý của Bộ nhưng tính chất, yêu cầu phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành hoặc địa phương khác rất lớn.
Bộ trưởng dẫn chứng, cơ quan Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo có sự kết hợp với Hội nông dân Việt Nam. Hay vấn đề quản lý lực lượng lao động là trách nhiệm của Bộ nhưng lại phải phối hợp nhiều, chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực...
Bộ trưởng cũng phân tích, thực tế, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch thời gian vừa qua theo Nghị quyết 68 hay Nghị quyết 116, Bộ LĐ-TB&XH "nắm" về chính sách nhưng việc thực hiện lại "nằm" ở các địa phương.
Tinh thần tự chủ, tinh gọn
"Bắt tay vào việc tinh giản biên chế mới thấy có nhiều vấn đề rất phức tạp. Cả nước đang hướng tới chủ trương an sinh xã hội toàn dân, nâng cao mặt bằng an sinh, phúc lợi xã hội. Muốn đạt được mục tiêu mọi người dân có quyền tham gia và thụ hưởng chính sách thì lực lượng làm công tác an sinh phải ổn định mới có thể làm tốt nhiệm vụ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, trong thời gian đại dịch Covid-19, có nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ phải làm việc đến đêm, tinh thần "chưa xong việc chưa về nhà" để làm ra chính sách, đề án đề xuất lên Chính phủ, Trung ương những quyết sách hỗ trợ toàn dân chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có những lĩnh vực hoạt động Bộ LĐ-TB&XH phải đảm đương 100% như hỗ người yếu thế, người có công, trẻ em... những đối tượng đặc thù mà không cơ quan nào "làm". Còn với những lĩnh vực có thể kêu gọi hợp tác công tư tốt, tư nhân làm được thì Bộ giao tự chủ luôn. Đặc điểm đó khiến việc quản lý biên chế của Bộ LĐ-TB&XH cần tinh lọc, tính tới đặc thù.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH kiến nghị, việc tinh giản biên chế cần làm một cách thực chất, hiệu quả, không nên chạy theo tỷ lệ, cào bằng. Ông phân tích, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần đưa về một đầu mối, chứ không nên dàn trải như hiện nay, mỗi Bộ đều có các trường đại học của mình.
"Quy hoạch giáo dục nghề nghiệp sắp tới cần thống nhất một đầu mối. Thực tế hiện nay, Bộ nào cũng có một vài, thậm chí cả chục trường Đại học, Cao đẳng... trong khi nhiều trường có ngành nghề đào tạo giống nhau. Trong cùng một khu phố cũng có vài trường đại học với cơ cấu đào tạo giống nhau mà cái cần đào tạo thì không đào tạo...", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm, các trung tâm dịch vụ việc làm, bảo trợ xã hội cũng cần được tinh gọn, "không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay".
Với bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có những lĩnh vực đặc thù, những công việc ký hợp đồng với lao động sẽ tốt hơn biên chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, tinh thần sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ LĐ-TB&XH là sẽ tự chủ, tự chủ càng sớm càng tốt. Với những đơn vị trùng lắp 60% chức năng, nhiệm vụ trên cùng một địa bàn hoặc gần nhau, chủ trương cũng phải tinh gọn lại.