Bi kịch của những đứa con bị ruồng bỏ
Con cái là của để dành của mỗi gia đình. Nhưng bỗng một ngày, niềm hy vọng lớn lao "báo hiếu" cha mẹ bằng những bảng "thành tích" trộm cắp, cướp giật, nghiện hút, thật không có nỗi buồn nào hơn.
Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của thanh thiếu niên chủ yếu ở nhóm tội xâm phạm TTXH, cố ý gây thương tích thì nay ở tội danh nào cũng có đối tượng là thanh, thiếu niên. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi này trong mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, manh động thật sự đáng lo ngại cho toàn xã hội.
Trộm cắp để có tiền... giải ngố
Ham chơi, đua đòi, lười lao động là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới con đường tội phạm.
Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Nam Định vừa bắt 3 đối tượng thanh niên có độ tuổi 17-20 về hành vi trộm cắp tài sản. 3 thanh niên này đều có điểm chung là lười lao động, ham chơi, đua đòi, lại thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chúng hẹn hò, rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Mỗi khi trộm được nhiều tiền, chúng lại cùng nhau bỏ nhà đi lang thang, ăn chơi đến khi nào hết tiền thì trở về gia đình và lại đi tìm nhà dân sơ hở để trộm cắp.
Vụ việc này một lần nữa khiến các điều tra viên mất ăn mất ngủ đi tìm lời giải cho câu hỏi: "Tại sao các em lại dễ dàng chọn cuộc sống lang bạt, trộm cắp trong khi vẫn có một mái nhà để đoàn tụ, một công việc chân chính để kiếm tiền?". Phải chăng tính ngông cuồng, tự ái, ham chơi của tuổi mới lớn khiến các em dễ dàng từ bỏ tình máu mủ để chạy theo những ham vui của bản thân…
Ba thanh niên này cùng ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gồm: Vũ Duy Hiệp, 20 tuổi; Vũ Thành Nam, 17 tuổi và Trần Văn Công, 20 tuổi. Trong đó, Vũ Duy Hiệp là kẻ cầm đầu và từng bị Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản xử 15 tháng án treo về tội trộm cắp tài sản.
Cả 3 thanh niên này vẫn có công việc tạo thu nhập. Người làm điện nước, kẻ làm nghề bán bún phở. Đáng tiếc, đồng lương ít ỏi từ việc làm chân chính lại không đáp ứng đủ nhu cầu ăn chơi và mua sắm của chúng. Vậy nên, để có tiền ăn chơi và mua sắm quần áo đẹp, điện thoại đắt tiền, Vũ Duy Hiệp, Vũ Thành Nam và Trần Văn Công rủ nhau đi tìm nhà dân sơ hở để trộm cắp tài sản.
Mỗi lần trộm được tiền, cả ba lại đồng loạt tắt điện thoại, bỏ nhà đi ăn chơi. Khi nào hết tiền thì quay về với bố mẹ và tiếp tục tìm nhà dân để trộm tài sản. Vụ trộm gần đây nhất mà bọn chúng gây ra vào đêm 18-5, cả ba rủ nhau đột nhập chùa Vụ, tại khu công nghiệp An Xá, TP Nam Định để trộm cắp tài sản.
Phát hiện sư ông trụ trì chùa có việc đi vắng, 3 thanh niên này đã phá khóa cổng chùa, lẻn vào buồng ngủ của sư trụ trì lục tìm tài sản. Phát hiện có két sắt, 3 đối tượng đã dùng kéo cắt cây, đục, mỏ lết và tuốc-nơ-vít cậy phá két sắt, trộm được hơn 200 triệu đồng.
Ngay khi trộm được tiền, cả ba liền phi xuống bãi tắm Quất Lâm, vào nhà hàng gọi thật nhiều cua, ghẹ để ăn mừng "chiến tích", tha hồ phung phí trác táng với mấy cô gái mắt xanh mỏ đỏ.
Sáng 19-5, cả nhóm mò về nhà cất xe máy, đồ nghề ăn trộm rồi sắm hai điện thoại Samsung Galaxy S8+, một điện thoại Iphone 6 plus. Thấy Nam Định quá bé nhỏ để ăn chơi, chúng cùng nhau thuê taxi lên Hà Nội.
Tại đây, chúng mò vào bar hot nhất để "giải ngố", rồi mua sắm quần áo, giày dép đắt tiền. Đến ngày 20/5, chúng ngược taxi về bãi tắm Quất Lâm ăn chơi tiếp thì bị Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Nam Định bắt giữ. Lúc này, trong túi 3 kẻ đột vòm chỉ còn vài triệu đồng.
Khi đã ở trong Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định được một tuần, bọn chúng chưa được gia đình gửi tiếp tế quần áo, đồ sinh hoạt cá nhân mới cuống cuồng xin điều tra viên báo tin về gia đình. Trần Văn Công còn sụt sùi khóc khi nhớ đến bố mẹ.
Nhưng khi hỏi, sao thương bố mẹ mà lại đi trộm? Cả ba lí nhí bào chữa, do buồn chán công việc không được như ý, nhưng điều quan trọng nhất là chúng không vượt qua được cám dỗ. Thấy bạn bè có điện thoại đẹp, quần áo đắt tiền trong khi nhà lại nghèo nên bọn chúng buộc phải kiếm tiền bằng việc đi ăn trộm.
Chán gia đình, sống đời lang thang…
Cách đây không lâu, một nhóm 9X dạt nhà trộm tài sản lấy tiền chơi game, chơi tài xỉu trên mạng internet đã bị Công an huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) bắt giữ cũng ở tuổi 17-18. Nguyễn Văn Vinh, Bùi Trọng Tỉnh và Trần Gia Thuận, đều sớm bỏ học, dạt nhà sống lang thang.
Đối tượng Trần Gia Thuận, tuy mới 17 tuổi nhưng bố mẹ hắn tuyên bố chính thức "bất lực", phải gửi về quê Trực Ninh nhờ ông bà nội quản lý. Song tình thương của ông bà nội cũng không giữ được Thuận ở nhà. Từ ngày Trần Gia Thuận về Trực Ninh kết bạn với Bùi Trọng Tỉnh và Nguyễn Văn Vinh thì mức độ sống lang thang bụi đời của chúng càng ngày càng lên cao.
Theo các điều tra viên cho biết, tuy trẻ tuổi đời song nhóm trộm 9X này rất liều lĩnh và ma mãnh trong thủ đoạn trộm cũng như phương thức tiêu thụ tài sản trộm cắp được. Toàn bộ tài sản trộm được như xe máy, xe đạp điện, máy tính, vàng bạc… bọn chúng mò sang tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận tiêu thụ khiến quá trình truy thu tài sản, các điều tra viên gặp không ít khó khăn.
Hay như vụ chém người giữa phố xảy ra tại TP Nam Định vào ngày 6-4-2017. Do có mâu thuẫn trong chuyện đòi nợ, một nhóm 5 thanh niên đã cầm dao đuổi chém nạn nhân gục ngay giữa phố. Nhóm sát thủ này có tuổi đời còn rất trẻ, có những kẻ mới 17. Vậy nhưng chỉ vì một mâu thuẫn không đáng có, cộng với sự bồng bột của tuổi trẻ đã dẫn đến án mạng thương tâm.
Một thực trạng đau lòng, càng ngày càng xuất hiện nhiều vụ truy sát mà nguyên nhân xuất phát từ những xích mích nhỏ trong cuộc sống, với những lý do đơn giản như bị từ chối cho điếu thuốc lá, vô tình quệt xe vào nhau lúc tan ca hay cho rằng đối phương nhìn đểu… mà những thanh niên trẻ tuổi sẵn sàng lao vào nhau đấm đá, đâm chém.
Quá trình tiếp xúc, trò chuyện với các đối tượng thanh thiếu niên này, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các em đều cảm thấy bị "bỏ rơi" trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều gia đình, bố mẹ chỉ mải miết làm việc, kiếm tiền, không để tâm đến những suy tư tuổi mới lớn của các em.
Có thanh niên phạm tội khi tâm sự với chúng tôi chia sẻ, dù có lần em đã cố bày tỏ suy nghĩ nhưng bố mẹ em chỉ nghe thôi chứ không có phương hướng, không đưa được ra cách giải quyết thấu đáo. Nhiều ông bố, bà mẹ đôi khi còn dùng chính những suy tư của các em để nhiếc mắng lại khiến các em hụt hẫng, cảm giác cô độc với người thân của chính mình.
Một số khác hận cuộc đời vì cho rằng, muốn có quần áo đẹp, điện thoại xịn nhưng bố mẹ lại nghèo. Số khác thì chỉ từ một mâu thuẫn không đáng có cộng với tính xốc nổi của tuổi trẻ đã dẫn đến hậu quả đau lòng…
Điều rất đáng nói là nhiều thanh, thiếu niên ý thức được hành động của mình là sai pháp luật, biết trước hậu quả nhưng vẫn làm, đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, hầu như các em đều bình thản đón nhận bởi đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.
Đại úy Trịnh Trường Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Trực Ninh cho biết, có đối tượng thanh, thiếu niên ở nhà tạm giữ được ít hôm thì bày tỏ mong muốn được bố mẹ vào thăm dù chỉ một lần. Bởi các em đã bỏ nhà đi lang bạt khá lâu nên nhớ người thân và cảm thấy hối lỗi.
Vậy nhưng khi các điều tra viên chuyển mong muốn này đến gia đình, không ít bậc sinh thành còn lớn tiếng: "Các anh cứ tống nó đi tù càng lâu càng tốt. Chúng tôi không có đứa con ấy."
Với những trường hợp chưa đủ 18 tuổi, được giao về cho gia đình quản lý, giáo dục, không áp dụng biện pháp tạm giam cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Có gia đình đón con về trong tình yêu thương, thủ thỉ khuyên nhủ song cũng có bậc sinh thành lại "cấm cửa", không cho phép đứa con được đặt chân vào nhà với lý do đã làm hoen ố thanh danh gia đình.
Quan điểm sai lầm này vô tình lại xô đẩy các em vào vòng lang bạt, bất cần đời. Với những trường hợp này, cơ quan điều tra mất nhiều thời gian để tuyên truyền, giáo dục thuyết phục gia đình rộng mở vòng tay đón các em bằng tình yêu thương, cho các em niềm tin, điểm tựa để trưởng thành làm người có ích.
Có thể thấy, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đã trở thành một thực trạng xã hội đáng báo động. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi này trong mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, manh động thật sự đáng lo ngại. Tính riêng tại thành phố Nam Định, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 8 vụ việc mà đối tượng gây án ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Dẫn đến thực trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật là do nhiều căn nguyên, gia đình có, xã hội có, mà ảnh hưởng xấu bởi mạng internet cũng có. Nhưng thiết nghĩ quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình.
Cùng với sự nuôi dưỡng, chăm sóc thì cha mẹ cần nghiêm khắc trong giáo dục đạo đức và quản lý con cái, như các cụ xưa đã răn "uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn ngây thơ".
"Cá chuối đắm đuối vì con", con cái dù mắc lỗi cũng vẫn là con của cha mẹ. Hy vọng rằng, qua cơn nóng giận khi biết tin "nghịch tử" phạm pháp, các bậc sinh thành sẽ rộng vòng tay với những đứa con lầm lỗi để các em có điểm tựa làm lại, như dự định về tương lai của một đối tượng bị bắt giữ khi vừa tròn 20 tuổi về hành vi trộm tài sản đã chia sẻ với người viết bài: "Em sẽ sống lạc quan để thời gian cải tạo qua nhanh. Sau đó em sẽ tìm việc chân chính để làm, tích lũy tiền của rồi lấy vợ. Mà em lấy vợ ở quê thôi. Con gái quê ngoan hiền, nết na".