Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị đánh đố khi xin giấy nghỉ hưởng bảo hiểm?
(Dân trí) - "Quy định bắt F0 nhiễm Covid-19 đi làm thủ tục xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội chẳng khác nào đánh đố...", chị Thu Hà (Hà Nội) cho biết.
Hiện khá nhiều người từng là F0 đang gặp khó khăn khi làm các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội cho thời gian nghỉ việc, điều trị Covid-19.
Đơn cử như trường hợp của chị Thu Hà (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chị khá bức xúc vì quy trình xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để nộp cho cơ quan sau thời gian bị Covid-19.
"Quy định để được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là khi bạn đang là F0 thì phải xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Sau khi kết thúc điều trị, âm tính, Trạm y tế mới cấp giấy cho mình, như thế khác nào đánh đố: Đã là F0 thì làm sao đi ra ngoài đường xin được? Tại sao không kết hợp dùng khai báo của chúng tôi cho phường, trạm y tế khi bị F0 để hoàn thành thủ tục này, để giảm thủ tục, bớt gây khó dễ cho người dân", chị Thu Hà nói.
Sau thời gian điều trị trở về âm tính, chị Thu Hà lên trạm y tế mới được nghe giải thích của nhân viên y tế Trạm y tế phường. Chị kể: "Họ nói với tôi, chị bây giờ khỏi bệnh rồi, âm tính rồi. Chúng em không thể cấp cho chị giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội được".
Theo chị Hà, nhân viên y tế cho biết khi chị đang là F0 thì phải đến Trạm y tế để xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. "Thế có mà đánh đố nhau? Khi đã dương tính rồi, thì ai cho ra đường? Mà khi bị dương tính rồi thì ai cũng chủ yếu lo chuẩn bị thuốc men, kế hoạch vượt qua Covid-19, không ai có thể nghĩ thủ tục hưởng lại oái oăm như vậy", chị Thu Hà nhấn mạnh.
Chị Hà cho rằng, nhân viên y tế họ làm đúng theo quy định. Nhưng nếu quy định không đúng phải sửa ngay để tạo điều kiện cho người dân. Nếu bắt người F0 phải đi làm các thủ tục nhận hưởng bảo hiểm khi họ đang dương tính chẳng khác nào tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh.
Thực tế, việc vướng mắc trong thủ tục làm hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội cho người dương tính Covid-19 đã xảy ra ở một số địa phương. Mới đây, PV Báo Dân trí đưa tin tại Nghệ An đã xuất hiện 5.000 trường hợp người lao động là bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh nhưng các trạm y tế địa phương không cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với lý do không có hướng dẫn của Sở Y tế.
Ngay sau đó, ngày 23/2, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo các trạm y tế địa phương cấp các loại giấy: Giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly, điều trị cho người mắc Covid-19 tại nhà; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, những vướng mắc của người lao động mới được giải quyết.
Trường hợp tương tự chị Hà, là anh N.V.M tại Quảng Ninh. Theo lời kể của anh M: Sau khi bị nhiễm Covid-19, anh xin nghỉ việc ở công ty, có báo cho địa phương để theo dõi và trạm y tế để được nhận thuốc chữa trị. Sau khi kết thúc điều trị và cách ly 14 ngày, anh M làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thì Trạm y tế ở Hạ Long cho biết anh không hợp lệ. Đến nay anh này cũng chưa biết vụ việc của mình có được giải quyết không.
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 100 Luật BHXH thì người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Sở Y tế thành phố cấp quyết định cách ly và giấy hoàn thành cách ly chữa trị sau khi F0 khỏi bệnh.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động mắc Covid-19 là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, đối với người mắc Covid-19 là người lao động điều trị tại nhà: Trạm Y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT.