Bé 3 tuổi thoát chết hi hữu khi ngã ao, một mình vật lộn gần 1 phút
(Dân trí) - Chơi đùa gần ao nước, không có người lớn trông chừng, bé trai 3 tuổi trượt chân ngã xuống ao, thoát chết hi hữu sau gần 1 phút chới với.
Bốn ngày sau sự cố con trai 3 tuổi thoát chết hi hữu sau khi ngã xuống ao nước sau nhà, anh Đăng Dương (xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Anh kể, khoảng 10h ngày 22/11, bận công việc nên vợ chồng anh để con trai tự chơi một mình.
Gia đình sơ ý không đóng cửa hàng rào ao nước, bé trai mon men tiến đến, trượt chân ngã lộn nhào xuống. Lúc này, xung quanh không có người lớn nên không ai phát hiện sự việc.
Camera an ninh ghi lại hơn một phút bé trai chới với dưới ao nước khiến người xem thót tim. Ban đầu, bé chìm ngay, chỉ thấy bong bóng khí lăn tăn trên mặt nước, sau đó thì ngoi lên và túm được một thân cây nổi dưới ao. Dù vậy, bé tiếp tục bị trượt chân, ngã xuống ao một lần nữa.
Sau gần một phút vật lộn giữa dòng nước, bé trai mới bám được vào rìa bờ để leo lên an toàn.
"Vị trí con tôi ngã xuống có độ sâu khoảng 80cm, là đường lên - xuống ao. May mắn con bình an, sức khỏe ổn định", anh Dương nói.
Theo anh, gia đình đã xây tường, làm hàng rào chắn ao, nhưng do lơ là dẫn tới sự việc nghiêm trọng. Sau sự việc, anh Dương và người thân đã đóng chặt hàng rào, không để con trai chơi một mình gần khu vực nguy hiểm.
"Đây là bài học quý giá của gia đình. Nếu không may mắn, chúng tôi đã phải ân hận suốt đời", anh nói.
Đây không phải lần đầu tai nạn ngã xuống ao, hồ, bể cá của gia đình xảy ra với trẻ nhỏ. Hồi tháng 4, ở Hà Nội, bé trai 2 tuổi không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m không có rào chắn xung quanh.
Theo camera ghi nhận, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Ngay lập tức, gia đình đã hô hoán mọi người giúp đỡ. Các nhân viên y tế của trạm y tế gần đó cũng đến cấp cứu tại chỗ. Sau 10 phút, trẻ có tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.
Tai nạn đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đúng thời điểm trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi, du lịch biển; ở các vùng quê thì trẻ thường có thói quen vui chơi, tắm sông, suối, ao hồ.
Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối, trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn. Tai nạn thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.
Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ, người lớn cần luôn để mắt tới trẻ, tạo môi trường an toàn (như rào chắn ao hồ, đậy nắp các chum, chậu nước; luôn để mắt tới trẻ khi đi bơi; giáo dục trẻ nhận biết nguy hiểm, không đi ra ao hồ... khi không có người lớn đi kèm).
9 nguyên tắc phòng ngừa đuối nước cho trẻ
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ cần thực hiện 9 biện pháp phòng tránh đuối nước:
1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...
2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.
3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).
4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm…).
5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.
6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.
8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò…).
9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.