Bất ngờ gia cảnh, bước ngoặt số phận của "cô gái vàng" môn lặn SEA Games 32
(Dân trí) - Bố làm phu đá, mẹ cuốc rẫy làm nương, Cao Thị Duyên từ cô bé nghèo thích bơi lội đã xuất sắc trở thành "cô gái vàng", giành 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc môn lặn tại SEA Games 32.
Những ngày qua, căn nhà nhỏ của gia đình ông Cao Văn Kỷ (45 tuổi) ở làng Én, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nhộn nhịp người ghé thăm. Bà con lối xóm đến chơi, chúc mừng sự kiện con gái ông là vận động viên Cao Thị Duyên xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng (HCV), 2 Huy chương Bạc (HCB) bộ môn lặn tại kỳ SEA Games 32.
Ông Kỷ cho biết, vợ chồng ông khá bất ngờ và vui mừng trước kết quả con gái đạt được tại Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua.
"Hôm Duyên thi đấu, gia đình đang chịu tang một người bác. Vì phong tục địa phương, cả nhà không được mở ti vi để theo dõi con thi đấu nên không biết kết quả ra sao. Đến khi hàng xóm, huấn luyện viên của cháu gọi điện chúc mừng, tôi mới biết cháu giành 3 HCV và 2 HCB trong kỳ SEA Games 32. Lúc đó, gia đình tôi thực sự đã vỡ òa hạnh phúc", ông Kỷ chia sẻ.
Nhắc đến con gái, ông Kỷ chỉ tay về bức tường đá thô mộc, nham nhở treo chi chít huy chương và bằng khen, giọng đầy tự hào kể về hành trình chinh phục vinh quang của con gái.
Vợ chồng ông Kỷ sinh sống ở huyện miền núi xa xôi của tỉnh Thanh Hóa, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hàng ngày, ông đi làm phu đá, còn bà Cao Thị Quang, vợ ông, tối ngày tất bật với nương rẫy, rảnh chút nào lại gò lưng đan cót phụ giúp chồng trang trải cuộc sống gia đình.
Cả tuổi thơ, Cao Thị Duyên chỉ quanh quẩn với bà nội. Cũng vì thế mà em có tính tự lập từ bé. Từ nhỏ Duyên đã có thể hiện khả năng thiên bẩm về bơi lội.
"Trong những ngày hè, Duyên thường cùng đám bạn ra hồ nước gần nhà thi bơi, tắm mát. Mỗi lần bơi thắng các bạn, nó (Duyên) lại chạy về khoe với tôi. Nhiều lần sợ cháu bị đuối nước tôi đã la mắng, ngăn cháu không được đi bơi nữa nhưng có cấm thế nào cũng chẳng được, con bé quá thích nước, thích bơi lội", bà nội Đỗ Thị Mạc của Duyên nói về cháu gái.
Năm 2011, tài năng của Duyên đã được khai phá, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời cô bé. Trong cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hóa, Duyên xuất sắc giành giải Nhất môn bơi lội. Đến năm 2012, Duyên chính thức trở thành vận động viên bộ môn bơi lội thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa, khi mới tròn 10 tuổi.
Theo ông Kỷ, ngày con gái xa gia đình, xuống thành phố tập luyện, vợ chồng ông rất lo lắng và nhớ con. "Mới 10 tuổi cháu đã xa gia đình. Nghĩ cũng thương con lắm, nhiều lần nhìn vợ khóc vì nhớ con tôi cũng rưng rưng nước mắt. Nhưng vì tương lai của con nên tôi khuyên vợ cố gắng động viên để con yên tâm tập luyện", ông Kỷ nhớ lại những ngày đầu.
Tại trung tâm huấn luyện, Duyên được đào tạo bộ môn bơi lội. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, Duyên được phát hiện mắc bệnh viêm gan B, em đứng trước nguy cơ phải dừng sự nghiệp bơi lội của mình.
Giữa lúc khó khăn nhất, Huấn luyện viên Phạm Tuấn Anh (người trực tiếp huấn luyện cho Duyên) đã hỗ trợ, chuyển Cao Thị Duyên sang bộ môn lặn. Cũng từ đây, sự nghiệp của Duyên bắt đầu sang trang mới. Cô bé liên tiếp gặt hái được những thành công khi còn rất trẻ.
Năm 2015, sau khi được chuyển sang thi lặn, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch các nhóm tuổi. Một năm sau đó, Duyên tiếp tục giành HCV giải vô địch trẻ quốc gia.
Năm 2017, ở tuổi 16, Duyên giành 3 HCV, phá một kỷ lục tại giải vô địch quốc gia, đồng thời giành 2 HCV giải vô địch trẻ châu Á.
Đặc biệt, tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2018, Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá một kỷ lục đại hội. Liên tiếp các năm sau đó, 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vững thành tích giành 2 HCV giải vô địch quốc gia. Năm 2022, cô gái tiếp tục giữ màu huy chương với 2 HCV SEA Games 31; 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội.
Tại SEA Games 32, Cao Thị Duyên xuất sắc giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung: 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ; 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ; 100m chân vịt đôi nữ. Giành 2 HCB ở các nội dung: 50m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4x50m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà một vận động viên giành được tại một kỳ SEA Games.