Đắk Lắk:
Bán nhà, đổ nợ vì... nuôi gà liên kết
(Dân trí) - Hàng chục nông dân tại Đắk Lắk như đang "ngồi trên lửa" khi vay mượn tiền tỷ nuôi gà liên kết mà càng nuôi càng lỗ nặng. Thậm chí, không ít hộ phải bán nhà, chấp nhận vào rẫy ở tạm để cầm cự.
Nợ tiền tỷ sau một vài lứa gà
Thời gian vừa qua, hàng chục hộ dân đã làm đơn gửi cầu cứu cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phản ánh về việc liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Công ty Japfa) nuôi gà mà ngày một lỗ nặng.
Theo đó, người dân ký hợp đồng liên kết với Công ty Japfa, phía doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Các hộ dân lo đầu tư chuồng trại và công lao động chăn nuôi. Nguồn thu nhập của nông dân được tính dựa trên sản lượng và năng suất chăn nuôi.
Chị Dương Thị Yên (ngụ tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) ngậm ngùi chia sẻ tình cảnh tréo ngoe của gia đình khi ký hợp đồng nuôi gà liên kết kiểu này.
Chị Yên kể, năm 2020, gia đình liên kết với công ty để nuôi gà. Chị đã vay mượn, "cắm" sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, đầu tư 2 trại gà với chi phí khoảng 3 tỷ đồng. "Vào những lứa gà đầu tiên xuất chuồng, gia đình tôi đều có lãi nhưng kể từ ngày 1/8/2021, khi công ty liên kết thay đổi chính sách thì gia đình tôi lâm cảnh càng nuôi càng lỗ, nợ nần càng gia tăng", chị Yên nói.
Chị Yên lý giải, ban đầu công ty có chính sách bao tiêu gà xuất chuồng sau 90 ngày nuôi nhưng sau đó, điều kiện thời gian tăng lên 100 ngày, thậm chí thực tế, các nông hộ phải chờ 120-130 ngày, công ty mới chịu xuất gà. Thời gian xuất bán bị kéo dài khiến gà chậm phát triển, nông dân "lỗ sặc gạch" vì tiền điện, tiền thức ăn, nhân công đều tăng…
"Tôi đã bán nhà vì nợ nần khi nuôi gà thua lỗ, nay cả gia đình phải kéo vào trại gà ở tạm. Tôi cùng bà con đã kiến nghị và gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin hỗ trợ, giải quyết thấu đáo cho bà con", chị Yên lên tiếng.
Hộ gia đình chị N. (ngụ tại TP Buôn Ma Thuột) cũng vay vốn ngân hàng 3,6 tỷ đồng để xây dựng hai trang trại nuôi gà liên kết với Công ty Japfa, quy mô mỗi lứa khoảng 18.000 con gà. Chị N. cho rằng, phía công ty thay đổi chính sách về tỷ lệ hỗ trợ hao hụt con giống (gà chết) từ 5-7% xuống còn 3-3,5%, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
"Gia đình nuôi bị lỗ liên tiếp 3 lứa, mất khoảng 300 triệu đồng, chưa kể việc bị công ty yêu cầu thanh toán tiền thức ăn chăn nuôi gà đội thêm tới 150 triệu đồng. Giống gà công ty cung cấp, thời gian xuất chuồng càng trễ, gà ăn càng nhiều, không tăng cân mà còn đẻ cả trứng, càng thiệt trọng lượng. Tỷ lệ hỗ trợ gà hao hụt lại thấp, người dân nuôi gà nóng cả ruột gan. Do bị thua lỗ nhiều quá, từ trước Tết đến giờ, tôi vẫn chưa dám nhận gà giống về để nuôi tiếp", chị N. chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng băn khoăn về chất lượng con giống, thức ăn mà công ty cung cấp.
Yêu cầu đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho nông dân
Trước cảnh khó khăn, thua lỗ, người dân chăn nuôi gà liên kết đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc hỗ trợ.
Theo đại diện của Công ty Japfa, trong năm đầu hợp tác, công ty đã áp dụng chính sách tỷ lệ hao hụt từ 5-7% nhằm hỗ trợ các hộ nông dân chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Sau hơn một năm hợp tác, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, công ty đã giảm tỷ lệ xuống từ 3-3,5%. Đây cũng là tỷ lệ đã được thử nghiệm và được áp dụng cho hầu hết hoạt động chăn nuôi gia công trên thị trường hiện nay.
Riêng vấn đề xuất bán chậm, đại diện công ty lý giải, trong giai đoạn bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid 19, chuỗi cung ứng gặp khó khăn rất lớn. Nhu cầu thị trường xuống thấp, khó khăn trong khâu vận chuyển và nguồn cung dư thừa sau giai đoạn giãn cách dẫn đến việc xuất bán chậm…
Phía doanh nghiệp cũng đã có buổi làm việc với các hộ nông dân và sẽ triển khai nhiều cuộc họp tiếp theo để xác định rõ vấn đề. Trong đó, thời gian chăn nuôi gà sẽ được phía công ty điều chỉnh lại cho phù hợp.
Liên quan vụ việc, ông Thủy Lệ Vũ - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk cho biết, sau khi nhận được đơn tập thể của người dân, đơn vị đã yêu cầu phía doanh nghiệp liên kết tổ chức đối thoại để giải quyết những khó khăn cho người chăn nuôi thời gian qua.
"Chúng tôi yêu cầu phải đối thoại, nếu doanh nghiệp không tổ chức hoạt động thì sẽ yêu cầu tạm ngưng việc nhập gà, tái đàn. Phải đối thoại với dân xong mới được triển khai việc chăn nuôi liên kết tiếp", ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ, qua buổi đối thoại với sự tham dự Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người dân đã phản ánh những thực tế, vướng mắc trong chăn nuôi. Trong đó, khó khăn nhất là đối với những hộ chăn nuôi vay vốn ngân hàng để thuê đất và nuôi gà.
Hiện, kết quả cuối cùng của vụ việc vẫn đang được đôi bên trao đổi, làm rõ.
Được biết, tại Tây Nguyên có 150 hộ dân ký hợp đồng nuôi gà liên kết cùng công ty này.