Ban Bí thư TƯ kiểm tra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Bộ LĐ-TB&XH

Hoa Lê

(Dân trí) - Đoàn Kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sáng 6/8, Đoàn Kiểm tra số 1354 của Ban Bí thư do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng đoàn, làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khái quát, Kết luận số 21 là nội dung rất quan trọng trong xây dựng Đảng.

Nội dung kiểm tra tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận số 21, xoay quanh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...

Ban Bí thư TƯ kiểm tra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Bộ LĐ-TBXH - 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, buổi làm việc của Đoàn Kiểm tra về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21 là cơ hội để Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn lại đầy đủ, khách quan và là dịp tự soi, tự sửa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện được giao phụ trách 20 lĩnh vực quản lý khác nhau, bao gồm việc làm, lao động ngoài nước, người có công, bảo trợ xã hội…

Trước ngày 1/7, Bộ có 63 đầu mối, trong đó có 19 đầu mối quản lý nhà nước giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc quản lý trực tiếp của Bộ trưởng. Ngoài ra, Bộ còn hơn 40 đơn vị sự nghiệp.

Sau khi Chính phủ quyết định chuyển 10 trường thuộc Bộ Xây dựng về, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH có 73 đầu mối. Tuy nhiên, đại bộ phận các đơn vị sự nghiệp là tự chủ. Tổng số cán bộ, công nhân viên chức khoảng hơn 4.000 người, nhưng chỉ có 631 công chức.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Các công việc của Bộ gắn liền với xã hội, vì vậy, các chủ trương, chính sách đúng tác động rất nhanh, nhưng chỉ cần một chủ trương không đúng cũng lập tức ảnh hưởng rất lớn".

Ban Bí thư TƯ kiểm tra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Bộ LĐ-TBXH - 2

Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu (Ảnh: Phương Hoa).

Theo Bộ trưởng, từ năm 2021, Bộ chịu sự chi phối, ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của ngành, trong đó có vấn đề công ăn việc làm và đời sống của người lao động.

Do đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ đã tham mưu để Nhà nước ban hành 4 chính sách đặc thù và những chính sách đặc thù này chưa từng có trong tiền lệ, như Nghị quyết 42 về chính sách xã hội, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội...

Thông qua nghị quyết này, Bộ đã hỗ trợ 68 triệu lượt người hưởng các chính sách đặc thù và hỗ trợ 1,42 triệu người sử dụng lao động với số tiền 128.000 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ duy trì ổn định, chống đứt gãy thị trường lao động, đặc biệt do ảnh hưởng dịch Covid-19 khi có 3 triệu người ồ ạt hồi hương, Bộ trưởng nêu rõ chuyển biến, từ tình trạng lo lắng thiếu công ăn việc làm, đến nay thị trường lao động cơ bản được đảm bảo.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, 2 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH được ưu tiên lựa chọn là một trong những đơn vị kiểm tra.

"Qua 16 tháng triển khai, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ tập trung khắc phục những vấn đề yêu cầu và tinh thần đến ngày 20/9 sẽ kết thúc việc thực hiện này", Bộ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đón 26 đoàn thanh tra, kiểm tra. Sau khi có kết luận, Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng đều ban hành những văn bản tập trung triển khai, khắc phục kết luận.

Về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị".

Ban Bí thư TƯ kiểm tra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Bộ LĐ-TBXH - 3

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Bộ trưởng tái khẳng định, Bộ coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng thời siết chặt kỷ cương sinh hoạt đảng. Trong quá trình đó, đơn vị chú trọng nêu gương lãnh đạo, tập trung xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, khuyết điểm vừa qua.

Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định, văn bản hướng dẫn của Đảng về việc thực hiện Kết luận số 21 thông qua nhiều hình thức.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 21 của Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ đã quán triệt sâu sắc các nội dung của Kết luận số 21 tới từng Đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các đảng viên trong toàn Đảng bộ, tập trung tạo chuyển biến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, chủ động ngăn chặn và xử lý nghiêm cán bộ có biểu hiện suy thoái về chính trị, " tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa mong, qua đợt kiểm tra, Ban Cán sự đảng Bộ, Đảng ủy Bộ, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 21 trong thời gian tới.