Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng

Xuân Hinh Phương Nhi

(Dân trí) - Từ khi nới lỏng giãn cách, bà Lan giảm 50% thu nhập, mỗi ngày chỉ kiếm được 30.000-40.000 đồng dù rong ruổi khắp Sài Gòn, từ 6h sáng tới tận 24h.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 1

Gần 24h đêm, bà Lan bất ngờ có niềm vui khi nhặt được ít giấy carton. Ngày mai bà sẽ không phải lo đói bụng. 

Ôm bụng đói đi khắp Sài Gòn

Gần 24h, bà Phạm Thị Lan (63 tuổi, quê Hải Phòng, ngụ quận 4) cặm cụi sắp xếp đóng bìa carton và vỏ lon bia, nước ngọt trước một quán ăn trên đường Khánh Hội (quận 4, TPHCM). Bàn tay chai sạn chằng chịt những gân xanh của bà Lan thoăn thoắt buộc thật chặt đống ve chai lên xe.

"Tưởng hôm nay lại phải chở cái bao trống về, ai ngờ giữa đêm lại nhặt được đóng bìa carton này. Chỗ này cũng được hơn 20 ngàn đó, không ít đâu. Thời buổi dịch Covid-19 mà kiếm được ngần này là tốt rồi, mai được no bụng rồi", bà Lan vui vẻ tâm sự.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 2

Mỗi ngày bà đều đạp xe đi khắp TPHCM để nhặt ve chai từ 6h sáng tới 12h đêm. 

Từ hôm nới lỏng giãn cách đến nay, ngày nào bà Lan cũng đạp xe đi khắp Sài Gòn để nhặt ve chai từ 6h tới 24h. Có ngày bà đi từ quận 4 qua Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú... nhưng cũng chỉ nhặt được vài vỏ chai nhựa. Bà chấp nhận ôm chiếc bụng đói về nhà vì ve chai ít quá, không đủ bán.

"Sau dịch không có nhiều ve chai để lượm bởi một đoạn đường giờ có đến cả chục "bạn nghề", họ còn chịu khó, chịu đi hơn tôi. Tiền không có, bữa đói bữa no nhưng ở tuổi này, tôi còn biết làm nghề nào khác...", bà Lan tâm sự.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 3

Thỉnh thoảng gặp "bạn nghề" bà Lan lại tâm sự để hỏi những nơi có nhiều ve chai để nhặt, dù xa mấy bà cũng đi. 

Bà Lan cho biết, trước dịch thu nhập của mình khoảng 60.000-70.000 đồng/ngày, tuy vậy từ khi nới lỏng giãn cách giảm còn khoảng 30.000-40.000 đồng. Thu nhập giảm, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, bà Lan cũng không dám than thở.

"Còn được đi làm là tôi mừng lắm rồi. Còn sống ngày nào thì tôi còn lượm ve chai ngày đó, phải làm mới có ăn, có tiền đóng điện nước, thuốc thang khi đau bệnh", bà lão kể.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 4

Chiếc xe đạp như người bạn của bà Lan trong nhiều năm qua. 

Bà Lan theo nghề nhặt ve chai được 14 năm. Trước đây, bà còn học nghề may và may khá đẹp nên cùng chồng vào TPHCM lập nghiệp. Năm 2007, chồng bà mất đột ngột. Bà khóc cả tháng khiến mắt mờ dần, không nhìn rõ đường kim, mũi chỉ.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 5

Thu nhập giảm nhưng bà Lan không dám nghỉ ngày nào vì áp lực kinh tế gia đình. 

"Không thể tiếp tục may vá, áp lực nuôi 4 đứa con nhỏ nên tôi chọn nghề nhặt ve chai. Hoàn cảnh đưa đẩy nhưng đây cũng là nghề chân chính để kiếm sống và lo cho gia đình. 4 đứa con giờ cũng khó khăn, đời cha, đời mẹ khó khăn thì làm sao đời con khá khẩm...", bà Lan chua xót nói.

Chưa bao giờ bà Lan nghĩ những năm tháng cuối đời mình lại thảm thương đến thế. Không chỉ bà, 4 người con cũng lao đao vì trận dịch quái ác khiến đứa nào cũng suy sụp tinh thần.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 6

Nhắc về những ngày trước đây khi còn làm nghề may, bà Lan như muốn khóc nghẹn. 

"Giờ tôi vẫn ráng đi lượm ve chai, được nhiều ăn nhiều, được ít ăn ít. Đời tôi chẳng còn hy vọng gì, chỉ mong đời con tôi tốt đẹp hơn, làm được những công việc sạch sẽ, thơm tho hơn...", người phụ nữ 63 tuổi rơi nước mắt.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 7

"Gia tài" của chị Huệ chất đầy ve chai các loại được chị đẩy qua cầu Kênh Tẻ. 

Sau dịch bỗng dưng thành... người nhặt ve chai

Cách đó không xa, chị Lương Kim Huệ (58 tuổi, quê Sóc Trăng) đang còng lưng đẩy "gia tài" qua cầu Kênh Tẻ (quận 4). Chị Huệ là "tân binh", vì cùng đường nên phải chọn nghề ve chai mưu sinh.

"Tôi mới vào nghề hơn 4 tháng nên không rành ve chai. Lượm nhiều vậy thôi chứ cũng không biết cái nào bán được, cái nào không nên phải đi nhiều, lượm nhiều hơn người khác", chị Huệ vừa nói vừa đưa bàn tay đen nhẻm, đầy bụi bặm lên mặt lau mồ hôi.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 8

Dịch khiến chị Huệ mất thu nhập với nghề giúp việc và biến chị thành người lang thang, cơ nhỡ. 

Một năm trước, chị Huệ rời Sóc Trăng lên TPHCM giúp việc nhà. Thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ ăn ngày 3 bữa, thuê được phòng trọ ở Quận 8 với giá 800.000/tháng. Dịch bệnh bùng phát đẩy chị Huệ vào cảnh thất nghiệp và bất đắc dĩ trở thành người lang thang, cơ nhỡ.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày lại thang lang không có mái che đầu thế này. Từ ngày chủ trọ lấy lại nhà, tôi không có khả năng đóng tiền, tôi cứ ngồi thẫn thờ ngoài đường, 3 ngày không tài nào chợp mắt", chị Huệ nghẹn ngào kể lại.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 9

Dòng đời xô đẩy khiến chị trở thành người nhặt ve chai mưu sinh. 

Nói về công việc mới, chị Huệ cho biết đã đi "mòn chân" nhưng cũng chẳng nhặt được gì nhiều, giá thu mua ve chai cũng giảm.

"Lúc trước mua 5.000 đồng, giờ còn hơn nửa, mà người ta còn không muốn mua, phải năn nỉ", chị nói.

Chị Huệ cho biết, nếu may mắn, một ngày sẽ kiếm được 50.000 đồng. Số tiền đó chị chừa ra một phần nhỏ để mua thức ăn, phần lớn để trả góp "gia tài" là chiếc xe ve chai được mua lại với giá 600.000 đồng. Vì lẽ đó, có khi chị chẳng còn đồng nào trong túi, cả ngày nhịn đói nếu hôm đó không có ai tặng cơm từ thiện.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 10

Chiếc xe giá 600.000 ngàn đồng được chị Huệ mua trả góp. 

"Hôm nay, tôi chỉ kiếm được 30.000 đồng nhưng phải trả nợ nên không có tiền ăn cơm. Tôi quét dọn rác giúp lò bánh mì nên được cho vài ổ bánh. Vậy là đủ, đêm nay no bụng!", chị Huệ vui vẻ nói

Hơn 4 tháng vào nghề lượm ve chai, chị Huệ vẫn chưa quen việc và thường xuyên đi lạc. Không điện thoại, không bạn bè, không người thân, không đọc báo nên nhiều khi chị cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Chị cứ đi làm, không bận tâm ngày hay đêm. Chị chỉ quan niệm, nếu chân ngừng đi, lưng ngừng khom, tay ngừng bới móc thì sẽ đói.

Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng - 11

Chị Huệ mong sớm có tiền để thuê phòng trọ ở, chấm dứt cảnh lang thang nơi gầm cầu, xó chợ. 

"Tôi chỉ mong mau quen việc, có đồng ra đồng vào để mướn chỗ ở chứ không mong phép màu nào xảy ra. Sống thế này thật sự vất vả...", chị Huệ nói.