DMagazine

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa

(Dân trí) - Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em... Tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em?

Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em... Tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng và ngày sum họp với tình yêu đã được ngày tháng tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em?

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 1

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) Phan Trọng Lộc chỉ tay trên khoảng đồi trước mặt: "Mộ liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Giao ở kia". Ngôi mộ nằm bên cạnh hố bom, cách khu di tích Truông Bồn khoảng 300m. Sức công phá của quả bom từ trường với hàng trăm cân thuốc nổ vẫn hiển hiện dẫu đã hơn 50 năm trôi qua.

"Theo các nhân chứng kể lại, quả bom phát nổ khi anh Giao cùng người đồng đội Lương Văn Tín (quê Thái Bình) đang cố gắng phá một quả bom từ trường, sau khi đã vô hiệu hóa được nhiều quả bom. Tiếng nổ long trời lở đất, xương thịt của hai anh hòa tan vào đất", ông Phan Trọng Lộc kể.

Nửa cuối năm 1968, không quân Mỹ đánh phá ác liệt khu IV - nơi có vị trí hết sức quan trọng trong việc trung chuyển đạn dược, vũ khí, lương thực... từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Trước yêu cầu của cuộc chiến ngày càng khốc liệt, ngày 29/9, Viện Kỹ thuật quân sự cử một đoàn công tác do Thiếu úy, kỹ sư Hoàng Kim Giao (SN 1941) làm trưởng đoàn vào nghiên cứu cách phá bom từ trường, đảm bảo thông suốt cho các tuyến giao thông huyết mạch này.

Cũng như ngã ba Đồng Lộc, phà Linh Cảm (tỉnh Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An) và suốt chiều dài đường 15A trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện vào miền Nam của quân và dân ta. Có những ngày cao điểm, chỉ tính riêng tọa độ lửa Truông Bồn, không quân Mỹ đã thực hiện 131 lần thả bom. Nhưng những con đường "chạy thẳng vào Nam" vẫn luôn được giữ thông suốt, không chỉ bằng tinh thần quả cảm của những người thanh niên xung phong mà còn bằng nhiều sáng kiến của những kỹ sư phá bom như Hoàng Kim Giao và đồng đội.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 3

Tháng 12/1968, đoàn công tác của Viện kỹ thuật quân sự rời Khu 4, quay trở lại Hà Nội sau khi thu thập được nhiều khí tài để phục vụ nghiên cứu. Ngày 29/12/1968, khi qua địa phận xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An), đoàn công tác được chính quyền địa phương nhờ giúp phá nhiều quả bom từ trường đang án ngữ tại khu vực khe Diêm, cạnh tuyến đường 15A.

Sáng 30/12, quả bom đột ngột phát nổ khi kỹ sư Hoàng Kim Giao và chiến sỹ lái xe Lương Văn Tín đang cố gắng phá hủy nó. Tiếng nổ vừa dứt, khói bụi vẫn mù mịt, mọi người lao lên. Họ đứng sững trước hố sâu do sức công phá khủng khiếp của quả bom từ trường gây ra. Tất cả đã hòa tan vào đất... Ngôi mộ chung của hai người lính quả cảm được lập ngay bên cạnh hố bom.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 5

Kỹ sư Hoàng Kim Giao ngã xuống khi mới 27 tuổi, độ tuổi vừa chín cả về trí tuệ và kinh nghiệm công tác. Trong quãng đời binh nghiệp ngắn ngủi nhưng vẻ vang, kỹ sư Hoàng Kim Giao trực tiếp phá 32 quả bom nổ chậm và 40 quả bom từ trường, để lại nhiều kết quả nghiên cứu quý báu trong phá bom. Công trình "Nghiên cứu chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông những năm 1967-1972" của kỹ sư Hoàng Kim Giao và đồng đội sau đó được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1, năm 1996.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 7
Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 9

Tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn có một không gian trang trọng trưng bày những hình ảnh, kỷ vật của người anh hùng Hoàng Kim Giao, trong đó có gần 100 bức thư anh gửi cho người thân. Ông Phan Trọng Lộc cho biết: "Khi biết gia đình có nguyện vọng hiến tặng những bức thư anh Giao gửi về, tôi đã liên hệ và trực tiếp có mặt tại Hải Phòng để thuyết phục người thân tặng Khu di tích lịch sử Truông Bồn - nơi đang nhận chăm sóc phần mộ của anh và được gia đình đồng ý.

Mặc dù liệt sỹ Hoàng Kim Giao có thời gian rất ngắn thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường 15A nhưng thân thể anh, linh hồn anh đã hòa tan trên mảnh đất này. Gian trưng bày này cũng chính là lời hứa đặc biệt của chúng tôi đối với bố mẹ, vợ và những người em của liệt sỹ Hoàng Kim Giao".

Những bức thư được viết bằng bút mực trên trang giấy đã úa màu, dày đặc chữ, sau hơn 50 năm, nhiều nét đã nhòe mờ. Những lá thư được viết gần như liên tục, dòng chữ ghi vội, dường như được nhà khoa học trẻ viết bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Những lá thư thấm đẫm tình thương mến gửi em gái đang học tập xa Tổ Quốc, những bức thư lo lắng gửi bố mẹ ở quê nhà, những tình cảm nồng nàn với người vợ trẻ... Bao trùm những cánh thư ấy là ước mơ về hòa bình, về sum họp, về hạnh phúc lứa đôi.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 11

Trong lá thư gửi người em gái Hoàng Thị Ngọc Kết vào tháng 3/1967, nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao viết: "... Những đêm không ngủ được, nằm nghe tiếng núi rừng và tiếng mưa đêm nhớ nhà, nhớ em, nhớ những kỷ niệm của những ngày sum họp, anh ao ước được có ngày đoàn tụ. Anh hình dung không nổi niềm vui đó. Có lẽ đó là niềm vui duy nhất trong cuộc đời anh.

Giá mà trong đêm hòa bình đầu tiên đó được dẫn em xem lại thành phố, thì hạnh phúc biết bao. Anh không sợ lòng mình sẽ mềm đi vì viễn cảnh đó, nhưng sợ sẽ sa vào vườn hoa rực rỡ bao la đó. Em ơi, em nghĩ thế nào về ngày mai tươi đẹp đó?".

Chàng trai Hoàng Kim Giao có một mối tình đẹp với cô hàng xóm Nguyễn Thị Lan. Tình yêu ấy đơm hoa bằng một đám cưới giản dị nhưng chứa chan hạnh phúc. Như biết bao chàng trai, cô gái khác, họ biết sống xa nhau, biết hi sinh hạnh phúc riêng tư để mơ về ngày sum họp trong ngày chiến thắng. Những cánh thư đã nối dài tình yêu của họ, hòa trong tình yêu đất nước. Những cánh thư nồng nàn nhớ thương và động viên, tin tưởng: "... Thế là chúng ta đã cưới nhau đươc một tháng. Một tháng là vợ, là chồng mà chúng ta chẳng sống với nhau được mấy ngày. Nghĩ đến điều đó anh càng thấy thương em, em thiệt thòi hơn các bạn em nhiều quá và có lẽ sau này em sẽ còn phải chịu đựng nhiều hơn, Lan ơi!".

Trong bức thư đề ngày, 14/9/1967, anh Hoàng Kim Giao viết: "... Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em. Càng khó khăn gian khổ, anh càng thấy quý trọng những ngày tháng gần nhau. Anh tin rằng dù xa nhau rất lâu chúng ta cũng không để mất mát gì. Ngược lại, tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng và ngày sum họp với tình yêu đã được ngày tháng tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em?

Anh nghĩ nhiều đến ngày sum họp, những đêm khuya anh chợt rùng mình thấy ớn lạnh sống lưng. Khi đó, ý nghĩ duy nhất để sưởi nóng trái tim anh là tình yêu quê hương, gia đình và em...

Đừng buồn và đừng khóc em nhé. Lúc nào anh cũng ở bên em. Yêu thương em nhiều, rất nhớ em.

Hẹn em ngày trở về!".

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 13

Bức thư đề ngày 10/11/1968 được xem là lá thư cuối cùng Thiếu úy Hoàng Kim Giao viết trước khi hi sinh, gửi bố mẹ ở quê nhà, anh cho biết đang ở Khu 4 - nơi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt. "Ở đây có những quãng chỉ 2km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom! Ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn và trong đội ngũ kiên cường đó những chiến sĩ phá bom là những người được yêu quý nhất.

Có những lúc chúng con phải phá bom trên sông, trước mặt bao cảnh thương vong. Vì bom đạn giặc, con vẫn dẫn đầu anh em bơi lội trên sông, phá thông luồng lạch, tạo một niềm tin vững chắc cho các chiến sĩ giao thông.

Có những lúc chúng con phải phá bom mở đường ở các trọng điểm đánh phá trên bộ, dưới làn bom đạn dày đặc của máy bay giặc Mỹ. Bị sức ép nhiều lần, anh em thương vong gần hết, nhưng con của cậu mợ vẫn vững vàng tổ chức các đồng chí Đảng viên gan dạ nhất phá sạch bom đạn giặc, cho xe thông đúng 12 giờ sau lệnh ngừng bắn".

Và dù ở đâu, giữa bãi bom dày đặc, có thể phát nổ bất cứ lúc nào hay dưới làn mưa đạn của máy bay địch, ở những nơi cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong một khoảnh khắc, anh cũng như các đồng đội, đồng chí của mình vẫn vững vàng tiến lên phía trước - phía chiến thắng và hòa bình!.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 15
Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 16

Dường như người lính đã dự cảm được cái chết: "... Như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi. Cậu mợ và các em con sẽ thương nhớ con nhiều. Sức khỏe của cậu mợ cũng mau bị giảm sút. Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Bởi con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom...

Mỗi khi đứng trước những quả bom nổ chậm, hay chờ tiếng bộc phá nổ, con thường nghĩ tới cậu mợ, tới các em ở xa... Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?. Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới...

Con mong cậu mợ được khỏe mạnh, đừng lo lắng nhiều cho con. Con sẽ về, chỉ sớm hay muộn mà thôi".

Nhưng người lính ấy đã không trở về, như biết bao người lính khác, đã ngã xuống cho giấc mơ hòa bình, độc lập, thống nhất trở thành hiện thực!.

Anh hùng phá bom từ trường và những cánh thư gửi về từ tuyến lửa - 17

                                              Nội dung: Hoàng Lam

                                              Thiết kế: Đỗ Diệp