Âm thầm giảm việc để tận hưởng cuộc sống
Từ chỗ coi công việc như là lẽ sống duy nhất, sau đại dịch, nhiều người âm thầm giảm bớt tham vọng, dành thời gian cho bản thân và gia đình, ưu tiên lại những giá trị trong cuộc sống.
Mai Phương, 27 tuổi, là phóng viên của một tờ báo điện tử danh tiếng với nhiều triệu người đọc truy cập mỗi tháng. Vào mỗi ngày làm việc, cô sẽ đóng máy tính vào lúc 5h chiều, ít khi sang 6h hay 7h tối, trừ lúc có những tin tức nóng bỏng gây ảnh hưởng hoặc tác động lớn đến xã hội. Nhiều lúc, vào lúc 9h tối, cô nhận được tin nhắn của sếp về việc thực hiện đề tài nhưng Phương hầu như không nhắn lại, vì cho rằng thời gian này là lúc nghỉ ngơi, cô không được trả tiền làm việc ngoài giờ.
Nữ phóng viên muốn có thu nhập tốt, thăng tiến trong sự nghiệp nhưng cô - giống như nhiều người trẻ trong thế hệ gen Z- coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài việc kiếm tiền, những lao động gen Z còn muốn theo đuổi các thú vui của bản thân, dành thời gian cho gia đình, bạn bè để có một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh
Tương tự, Thanh Tuấn, 32 tuổi, là trưởng nhóm tiếp thị kỹ thuật số cho một công ty bất động sản, nhưng đã quá chán ngán với việc phải trả lời email lúc 2h sáng hoặc ăn nằm cả tuần ở công ty trước mỗi chiến dịch truyền thông. Anh vừa nộp đơn xin nghỉ việc, từ bỏ mức lương 100 triệu, để theo đuổi con đường trở thành người viết sách tự do, chuyên về mảng nội dung đời sống giới trẻ thành thị. Kể từ lúc làm việc tự do, Tuấn có thời gian tập thể dục, dắt chó đi dạo, đi du lịch với bạn bè, đám cưới, tiệc tùng, tham gia những khóa thiền dài ngày, mà không phải sợ hãi, hối hận. "Đã rất lâu, tôi mới thực sự được sống như vậy, đối với tôi, hiện là lúc cuộc sống bắt đầu", Tuấn nói.
Xu hướng im lặng giảm việc hoặc bỏ việc để tận hưởng cuộc sống diễn ra mạnh mẽ từ năm 2021, khi đại dịch COVID trầm lắng. Theo một nghiên cứu của Gallup, tổ chức chuyên thực hiện các cuộc khảo sát thăm dò ý kiến toàn cầu về Thực trạng Môi trường lao động thế giới năm 2022, chỉ 21% nguồn lao động còn làm việc. 33% trong số này cảm thấy hạnh phúc khi đi làm, số còn lại chỉ đợi tan ca và chán nản, trống rỗng trong giờ làm việc.
Mặt khác, nghiên cứu này chỉ ra 44% người lao động rơi vào tình trạng stress nặng với áp lực doanh nghiệp, trong khi vào năm 2014, con số này là 33%. Chỉ số phúc lợi của công ty dành cho người lao động ở châu Âu và Đông Á giảm mạnh sau đại dịch, trong đó Đông Á có chỉ số này thấp nhất thế giới. Những chỉ số này phần nào nói lên sự bất hạnh của nhiều người khi không tìm thấy cảm hứng trong công việc.
Thực chất, phong trào âm thầm giảm việc bắt nguồn từ trào lưu tang ping (nằm thẳng) bùng nổ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 4/2021. Nó cổ vũ việc người lao động cho phép mình sống chậm lại, nằm thẳng để mọi thứ trôi đi kể cả đó là hạnh phúc hay niềm đau vì quá kiệt sức với cuộc sống hiện đại.
Mục đích của trào lưu này là phản đối văn hóa rat race, còn gọi cuộc đua chuột của các nền kinh tế tư bản - nơi con người làm việc như những cỗ máy không ngừng nghỉ, để đạt được các nấc thang trong sự nghiệp. Đây được gọi là cuộc đua đến đáy, khi con người ngày càng thành công, giàu có về vật chất nhưng khốn khổ về tinh thần. Trong guồng quay đó, các công ty tạo nên môi trường làm việc đầy cạnh tranh để hối thúc nhân sự làm việc chăm chỉ hơn, thời gian làm việc dài hơn, năng suất lao động cao hơn, nhưng thu nhập lại ít đi. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch càng khoét sâu vào sự bất công này, dẫn đến tâm lý chán chường của nhiều lao động.
Một khía cạnh khác, theo phân tích của Maria Kordowicz, Phó giáo sư về hành vi của Đại học Nottingham, là kể từ khi đại dịch diễn ra, mối quan hệ và suy nghĩ của con người về công việc có nhiều biến đổi sâu sắc. Những trải nghiệm và cảm nhận sâu sát về sinh tử đã khiến mọi người tự vấn bản thân rằng cuộc sống có ý nghĩa thực sự là gì? Công việc đang làm có ý nghĩa gì với chính mình? Hay làm thế nào có được một công việc phù hợp với thế mạnh, giá trị của bản thân để cảm thấy hạnh phúc?...
Đó cũng là một trong những lí do khiến người trẻ thay đổi quan niệm của mình về công việc và hành động đình công thầm lặng. Như Phương hay anh Tuấn, họ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp tại một cơ quan danh giá, lương cao, bằng một công việc linh hoạt, tự do, có thể đem lại sự cân bằng và hài lòng. Quan niệm của những người này là sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống. Họ cũng cho rằng, đời sống chỉ có một lần, thậm chí rất ngắn ngủi, nên nếu muốn hạnh phúc ngay bây giờ thì hãy hành động.
Tuy nhiên, nhận định về xu hướng âm thầm giảm việc, Ellen Ernst Kossek, giáo sư quản lý tại Đại học Purdue, Mỹ, cho rằng, các cơ quan và doanh nghiệp vẫn được thiết kế cho những người biết ưu tiên sự nghiệp là số 1. Theo đó, những người chăm chỉ, nỗ lực, làm thêm giờ bất kể ngày đêm, sẵn sàng hy sinh cả kỳ nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, sẽ được đánh giá hiệu suất tốt hơn, được thăng chức và tăng thu nhập. Đức Kiên, giám đốc doanh nghiệp mỹ phẩm ở Hà Nội nói, anh sẽ sẵn sàng cho nghỉ việc những nhân viên chỉ làm việc "vừa đủ" - những người không đam mê, khát khao bước ra vùng an toàn và thách thức bản thân phá vỡ giới hạn.
Các chuyên gia cảnh báo tự ý giảm công việc trong thầm lặng có thể khiến cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhưng sự gắn bó lâu dài với công ty sẽ ngày một giảm đi, trách nhiệm với công việc cũng không còn nhiều khiến họ không còn động lực cố gắng, cống hiến. Kết quả có thể thấy trước là những người này có thể sẽ bị sa thải.
Mặt khác, bà Ellen cảnh báo những người muốn giảm việc/ nghỉ việc để tận hưởng cuộc sống cần cẩn thận với một cuộc khủng hoảng khác diễn ra sau đó. "Có thể một cuộc khủng hoảng danh tính khác đang rình rập tương lai của bạn, khi bản thân không biết mình sẽ làm gì tiếp theo, tài chính như thế nào để có thể chi trả các nhu cầu tối thiểu. Mạo hiểm nhưng cần có lý trí, là lời khuyên tôi dành cho các bạn", giáo sư Ellen Ernst Kossek nói.
Một trong những giải pháp hiệu quả được các chuyên gia đề xuất là hãy nghĩ cách làm sao cân bằng công việc, cuộc sống, trước khi bạn có lựa chọn tiêu cực "âm thầm giảm việc". Đầu tiên, cần thiết lập ranh giới trong công việc và cuộc sống. Hãy tự đặt ra câu hỏi điều gì có ý nghĩa với mình hơn, công việc hay cuộc sống, từ đó xác định ưu tiên và những việc cần phải hoàn thành. Một mẹo nhỏ là hãy tận dụng tối đa lộ trình đi làm của bạn.
Nhiều người đi xe bus, tàu điện metro có thể vừa nghe podcast, video, đọc sách, viết, nghiên cứu tài liệu hoặc giải trí. Vào đầu giờ sáng hoặc cuối ngày, chọn khoảng thời gian cố định, không ai có thể xâm phạm để thiền, viết nhật ký hoặc đơn giản là nằm nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau một ngày mệt mỏi. Dành thời gian để ăn uống lành mạnh, đủ chất, tập thể dục đều đặn.
Sau khi bạn xác định được các ưu tiên, hãy nói chuyện với cấp trên mình để hiểu nhau hơn. Giao tiếp là cách giải quyết tốt nhất. Lý tưởng làm việc của bản thân nhân viên và người quản lý đôi khi không đồng nhất. Nếu bạn cứ lẳng lặng ngừng thực hiện một số nhiệm vụ vì cảm thấy chúng nằm ngoài phạm vi làm việc, người quản lý có thể cảm thấy nhân viên của mình chểnh mảng.
Cũng như nếu muốn được trả công xứng đáng cho các công việc làm thêm, hãy trình bày với người quản lý để có thể đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng. Tốt nhất là trao đổi với lãnh đạo việc nguyên tắc không làm thêm ngoài giờ. Trả lời một vài email có vẻ không có gì to tát nếu bạn đang sử dụng máy tính làm việc sau giờ làm hoặc nhắn tin khi sử dụng điện thoại vào cuối tuần, nhưng những hành vi này có thể sớm trở thành thói quen.
Ngoài ra, người lao động cần chú ý những dấu hiệu của việc kiệt sức, như mệt mỏi, chán nản, thiếu năng lượng, không có động lực, căng thẳng. Nếu bạn xác định được một số dấu hiệu của kiệt sức, bạn có thể thực hiện các bước nghỉ ngơi và nạp năng lượng, tránh để căng thẳng kéo dài sẽ gây tổn hại lớn về cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí trầm cảm và muốn tự tử.