Trích sách "Đi về phía bình yên": Hóa giải vòng tròn bạo lực gia đình

Minh Nhân

(Dân trí) - "Suốt thời thơ ấu, tôi đã vật lộn, tìm cách thoát ra khỏi những đau khổ trong gia đình. Tôi chỉ mong không bao giờ lấy một người chồng nghiện cờ bạc, thiếu trách nhiệm, bất ổn và bạo lực như bố tôi".

Tháng 12/2023,  Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam) và Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã ra mắt Đi về phía bình yên - Câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người.

Cuốn sách song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), dày 200 trang, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ biên, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Đi về phía bình yên gồm 12 hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau đến vùng sáng bình yên và an lành. Họ là 12 phụ nữ trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà Bình yên suốt 17 năm qua.

Chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác.

Báo Dân trí trích đăng 2 câu chuyện trong cuốn sách, gồm: Hóa giải vòng tròn bạo lựcNhư đóa hướng dương

Từ vòng luẩn quẩn của đời mẹ

Tôi sinh ra ở một vùng trung du miền Trung. Bố tôi làm trồng rừng và quen mẹ tôi làm giáo viên cắm bản dạy các trẻ em tiểu học. Thời gian đó bố mẹ tôi rất thương yêu nhau.

Sau khi kết hôn và sinh tôi là con gái đầu, bố mẹ quyết định chuyển công việc và đưa tôi về quê nội sống. Từ đây, bố như biến thành một người khác. Tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ tôi cãi vã, xô xát. Những lúc ấy, bố tôi dùng bất cứ một vật gì có sẵn trong nhà để đánh mẹ tôi, khi bằng thắt lưng, lúc ném bát đũa, thậm chí nồi cơm vào tay bố cũng trở thành hung khí.

Khổ đến mấy, mẹ tôi cũng cam chịu, không dám kể với ai. Mẹ tôi cảm thấy xấu hổ nếu để mọi người biết mình lấy phải một người chồng bạo lực. Mẹ cũng không dám ly hôn bố vì sợ làm khổ đến gia đình bên ngoại. Mỗi lần ông bà ngoại hay cậu dì tôi đến chơi, mẹ tôi tỏ ra là một người hạnh phúc và không có chuyện gì xảy ra.

Thực ra, bố tôi có những mối quan hệ ngoài luồng và bỏ đi theo người phụ nữ khác không về nhà. Mẹ tôi cô đơn và đau khổ khi sống trong môi trường gia đình chồng không được hiểu và chia sẻ. Thậm chí bên nội còn đổ lỗi cho mẹ, họ cho rằng gia đình tôi không hạnh phúc là do mẹ không biết giữ chồng, không biết khuyên nhủ chồng.

Trích sách Đi về phía bình yên: Hóa giải vòng tròn bạo lực gia đình - 1

Bìa sách "Đi về phía bình yên".

Vài năm sau bố tôi trở về, mẹ tha thứ cho bố và tiếp tục sinh ra em trai tôi. Bố tôi không tu chí làm ăn, thường xuyên chơi cờ bạc và nợ tiền. Mẹ tôi còng lưng vừa đi dạy vừa đi làm thêm bán hàng, đan lát, trồng lúa, làm nông để có tiền trả những khoản nợ mà hàng ngày họ đến đòi bố tôi. Mẹ tôi đã cam chịu và tha thứ cho bố tôi hết lần này đến lần khác chỉ để mong có được gia đình yên ấm.

Mặt khác, sống trong thời đại mà không có người phụ nữ nào dám ly hôn chồng thì việc mẹ bỏ bố là một chuyện tày đình, đáng xấu hổ. Mẹ cứ ràng buộc trong suy nghĩ như vậy nên mẹ khổ và cũng khiến chị em chúng tôi vô cùng đau khổ khi chứng kiến bố bạo hành mẹ mà không thể bảo vệ mẹ ngoài việc chạy trốn.

Với tôi, sách là nơi trú ngụ êm đềm nhất trong tuổi thơ đầy sóng gió đó. Tôi thích đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách về giá trị sống, sách truyền cảm hứng, sách về tâm lý xã hội. Tôi rất mong tìm được những lí giải cho việc tại sao bố mẹ tôi vốn yêu thương nhau mà bố tôi lại có thể đối xử bạo lực, thiếu tôn trọng với mẹ tôi như vậy.

Mãi sau này tôi mới hiểu rằng những hành vi bạo lực của bố tôi là xuất phát từ ham muốn kiểm soát, muốn tỏ ra là mình có quyền trong ngôi nhà của mình. Mỗi lần bố bạo hành mẹ xong rồi bố lại xin lỗi, làm lành, tặng quà, mẹ lại tha thứ hết lần này đến lần khác.

Mẹ cứ sống mãi trong vòng tròn bạo lực ấy bởi niềm tin có thể thay đổi được bố tôi. Bản thân mẹ thì nhân hậu, vị tha, mẹ chỉ muốn cảm hóa bố nhưng bố chưa từng thực sự muốn thay đổi hành vi của mình vì bố muốn thỏa mãn cái tôi và sự tự do, hưởng thụ của bản thân.      

Chứng kiến vòng luẩn quẩn của mẹ, tôi mơ ước được sống cuộc sống của riêng mình mà không có ai điều khiển, được tự quyết cuộc đời của mình. Tôi mơ ước sớm tự lực, tự đi làm, tôi thích được đi dạy học và giúp trẻ em nghèo vượt khó vươn lên.

Suốt thời thơ ấu, tôi đã vật lộn với việc tìm cách thoát ra khỏi những đau khổ trong gia đình tôi. Mẹ con tôi luôn bấn loạn, bất ổn vì những trận đòn và sự trút giận của bố tôi. Tôi chỉ mong không bao giờ lấy một người chồng nghiện cờ bạc, thiếu trách nhiệm, thất thường và bạo lực như bố tôi.

Đến sự bế tắc của đời con

"Ghét của nào trời trao của đó", câu này vận vào cuộc đời tôi, khiến bây giờ nhìn lại, tôi có cảm giác như cuộc đời mẹ và cuộc đời tôi là một thước phim dài, cảnh nọ nối tiếp cảnh kia, không có gì vui hơn, không có gì tươi sáng hơn, ngoài những sự cãi vã và bạo lực. Chỉ khác là, với tôi, bạo lực gia đình lại đến từ nhà chồng.

Hồi đó, tôi làm nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đây là công việc do tôi lựa chọn, gần đúng với mong muốn của tôi từ thưở ấu thơ. Tôi luôn muốn đứng về những người phụ nữ yếu thế. Do đặc thù của công việc, tôi thường đi làm theo ca, chủ yếu là ca tối và thường xuyên đi công tác.

Trong lúc tôi lao ra ngoài để giúp đỡ những người phụ nữ bị bạo hành thì không ngờ, ở nơi mà tôi từng tin là tổ ấm vững chãi, những vết nứt bắt đầu xuất hiện.

Mẹ chồng và cô em chồng tôi cho rằng tôi không làm tròn trách nhiệm với gia đình. Họ nói chả có ai đoan chính mà lại chọn công việc đi tối về khuya như vậy cả. Họ kết luận luôn là tôi lấy cớ công việc để ngoại tình.

Một tin đồn được kể một lần thì chỉ là tin đồn, nhưng được kể đi kể lại mười lần, hàng trăm lần thì sẽ khiến cho người nghe tin là sự thật. Câu chuyện tôi "ngoại tình" dần dần trở thành sự thật trong suy nghĩ của chồng tôi.

Từ một người rất ủng hộ công việc đầy tính nhân văn của tôi, chồng tôi bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Ánh mắt thiếu niềm tin. Chồng tôi tin lời của những người có máu mủ ruột rà, gạt ngoài tai những lời giãi bày của tôi.

Trích sách Đi về phía bình yên: Hóa giải vòng tròn bạo lực gia đình - 2

Trong cái gọi là "tổ ấm" của mình, tôi bắt đầu trở thành một tội đồ. Một "tòa án gia đình" dần dần hình thành trong gia đình tôi, mà quan tòa là mẹ chồng và em chồng.

Tôi bị luận tội, bị kết án không cần chứng cứ, không được thanh minh, không có luật sư biện hộ. Chồng tôi đóng vai trò gì trong tòa án gia đình đó? Một người từng nói lời yêu thương tôi, từng khiến tôi tin rằng anh là bờ vai vững chắc cho tôi nương tựa, giờ như người ngoài cuộc.

Thay vì lắng nghe tôi, chồng tôi cũng dần dần quay ra đổ lỗi cho tôi. Mọi sự trừng phạt không hiểu từ đâu trút xuống cuộc đời tôi, ban đầu là lời nói, sau là bằng hành động.

Tôi từng chứng kiến bạo lực gia đình khi bố tôi trút giận lên người mẹ tôi, từng biết đến bạo lực gia đình qua sách báo, ti vi, từng mơ ước có một cuộc sống  bình an, và mang lại bình an cho những người yếu thế khác, chưa bao giờ tôi có thể hình dung mình lại bị mắc kẹt trong bạo lực gia đình, không phải từ chồng mà từ phía gia đình chồng.

Tôi không biết làm cách nào để chống đỡ được những đòn thù từ "hội đồng tòa án" gia đình như vậy. Đau đớn về thể xác và tinh thần, tôi kiệt quệ. Suốt hơn một tháng trời, tôi không ăn không ngủ được. Tôi như một cái xác không hồn, cái xác nặng 37kg.

Tôi cảm giác như không có ai hiểu mình, không có ai bảo vệ mình. Tôi lại rơi vào vòng luẩn quẩn của mẹ tôi, sống khổ nhục, nuốt nước mắt vào trong, nhìn hai đứa con đáng thương luôn khao khát hòa khí gia đình.

Trích sách Đi về phía bình yên: Hóa giải vòng tròn bạo lực gia đình - 3

Lối thoát

Con giun xéo mãi cũng quằn. Tôi khổ đã đành, nhưng tôi không muốn các con tôi phải chịu cảnh khổ, như tôi từng chịu đựng thời thơ ấu. Tôi hiểu quá rõ những đứa trẻ sẽ bị tổn thương như thế nào khi chứng kiến bạo lực gia đình.

Tôi không thể tiếp tục chung sống với người đàn ông đã không còn tin tưởng mình, không có tiếng nói chung và ít dành thời gian riêng tư để hiểu nhau, để cùng san sẻ trách nhiệm trong gia đình và nuôi dạy con cái.

Thật may cho tôi là tôi biết còn có một nơi để trú ngụ, khi "tổ ấm" đã nứt toác ra làm trăm mảnh. Nơi đó là Ngôi nhà Bình yên.

Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ cho mẹ con tôi có một nơi ở an toàn. Từ chỗ là người đi hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, giờ tôi trở thành một thân chủ cần được hỗ trợ.

Những lần được tham vấn tâm lý ở Ngôi nhà Bình yên đã cho tôi lấy lại sự bình tĩnh, sáng suốt để tôi soi rọi lại thước phim cuộc đời mình. Việc chồng tôi đứng về phía những người ruột thịt để đổ lỗi cho tôi xuất phát từ sự không tự tin của anh ấy, càng thiếu tự tin, người đàn ông càng muốn kiểm soát.

Đồng thời tôi cũng nhìn thấy sai lầm của mình, tôi đã không đủ mạnh mẽ, không đủ kiên cường để lập ra một giới hạn, đáng ra tôi cần nói "không" với việc đi quá giới hạn của mẹ, em chồng và chồng tôi. 

Nhìn nhận rõ vấn đề, tôi quyết định ly hôn.

Tuy nhiên, cô B. phòng tham vấn cho rằng vẫn còn có cơ hội để tôi xây dựng lại tổ ấm của mình, để tôi có chồng, các con tôi có bố. Suốt một thời gian dài, cô B. kiên nhẫn nói chuyện với chồng tôi để anh hiểu những khó khăn của tôi khi sống chung gia đình chồng.

Mưa dầm thấm lâu, cái nhìn khách quan của cô B. đã làm chồng tôi dần thay đổi suy nghĩ. Anh ấy nhận ra cần phải trân trọng mối quan hệ cốt lõi mà anh ấy đang có, thay vì bị dao động bởi những lời gièm pha bên ngoài.

Ngôi nhà Bình yên không chỉ hỗ trợ tôi khi mẹ con tôi cần một chỗ nương thân, không chỉ hỗ trợ mẹ con tôi ổn định về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần, không chỉ hỗ trợ chồng tôi thay đổi cách nhìn, mà còn hỗ trợ tôi về công việc, để gia đình nhỏ của tôi có thể tách khỏi gia đình ba thế hệ, giúp chúng tôi "ra riêng".

Từ đó, mẹ con tôi được dành thời gian và sự quan tâm cho nhau trọn vẹn và chất lượng. Sau thời gian xa vợ, vắng con, chồng tôi cũng hiểu được sự trống vắng, thiếu hụt khi không còn gia đình cốt lõi và các con là như thế nào.

Nhờ có trải nghiệm đó, lại được tham vấn bởi những người có kinh nghiệm như cô B. ở Ngôi nhà Bình yên, chồng tôi đã nhận ra hành vi đổ lỗi cho vợ không phải là cách để hàn gắn gia đình.

Từ đó, tôi được sống cuộc đời của mình mà không phải nghĩ đến việc hài hòa trong gia đình chồng, tôi không phải giải thích vì những điều hoài nghi không có cơ sở.

Tôi được có thời gian riêng tư với các con, cùng đọc sách, cùng đi công viên, tôi bắt đầu tìm lại được tiếng nói chung với chồng... Tìm được niềm vui sống, tôi học thêm kỹ năng nấu ăn chay và làm bánh. Tôi có những mối quan hệ mới với các bạn, với đồng nghiệp.

Tôi tin rằng các chị em chúng ta ai cũng có những giai đoạn khó khăn của mình. Tôi mong ở những khúc cua của cuộc đời đó, chúng ta vẫn yêu thương, tôn trọng bản thân; có đủ kiên cường để nói "không" với những ai đã đi qua ranh giới của sự tôn trọng và làm tổn thương mình.

Tôi muốn nhắn nhủ rằng: Bị bạo lực không phải là CÁI KẾT của việc bạn đã làm sai điều gì, mà là sự KHỞI ĐẦU cho việc bạn nói "không" với người đã đi quá giới hạn làm tổn thương bạn.

Tôi tin rằng, khi bạn có kiến thức, khi bạn tự tin và làm chủ cuộc sống của mình, bạn sẽ biết cách hóa giải mọi rào cản ngáng trở hạnh phúc của bạn.

(Còn tiếp)