Tôi dũng cảm tháo chạy khỏi bạo lực gia đình 18 năm để đi về phía bình yên

Minh Nhân

(Dân trí) - "Tôi đã âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình suốt 18 năm, nghĩ rằng số phận đã an bài. Bạo lực cứ thế lên đến đỉnh điểm...", chị Phạm Ngọc Lan tâm sự.

12 hành trình bước khỏi khổ đau đến bình yên

Tại sự kiện ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên sáng 8/12, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam) và Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã ra mắt cuốn sách Đi về phía bình yên - Câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người.

Cuốn sách song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), dày 200 trang, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ biên, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Đi về phía bình yên gồm 12 hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau đến vùng sáng bình yên và an lành. Họ là 12 phụ nữ trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà Bình yên suốt 17 năm qua.

Họ được chọn để viết, không phải vì trường hợp của họ đặc biệt, bởi thực tế 1.665 câu chuyện đều đặc biệt theo cách khác nhau. Chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác.

Tôi dũng cảm tháo chạy khỏi bạo lực gia đình 18 năm để đi về phía bình yên - 1

Sự kiện ra mắt sách "Đi về phía bình yên", sáng 8/12 (Ảnh: BTC).

Tại Việt Nam, tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện tại (trong 12 tháng qua) là gần 32%.

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ, ước tính thiệt hại về kinh tế tương đương với 1,8% GDP quốc gia.

Mô hình Ngôi nhà Bình yên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển vận hành từ năm 2007, hỗ trợ toàn diện các nạn nhân 3 - 6 tháng (hoặc gia hạn tùy trường hợp) giúp họ ổn định đời sống, tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn.

Sau khi hồi gia, Ngôi nhà Bình yên tiếp tục hỗ trợ về vấn đề pháp lý, hướng nghiệp, tìm việc làm… giúp họ có sinh kế bền vững.

Tôi dũng cảm tháo chạy khỏi bạo lực gia đình 18 năm để đi về phía bình yên - 2

Bà Trương Thị Ngọc Lan, cán bộ truyền thông của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: BTC).

Bà Trương Thị Ngọc Lan, cán bộ truyền thông của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết 12 câu chuyện trong Đi về phía bình yên đều là chuyện có thật, đã được lược bỏ vài chi tiết quá tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực.

Tên người và địa danh đã được thay đổi để đảm bảo an toàn. Các nhân vật hoàn toàn đồng ý với việc chia sẻ câu chuyện ra công chúng.

"Khó khăn với chúng tôi là truyền tải câu chuyện chân thật đến mọi người nhưng không quá bi lụy, không khiến độc giả sợ hãi và đặc biệt không làm tổn hại nhân vật", bà Lan nói. 

Trong quá trình phỏng vấn 12 nhân vật, cán bộ của nhà xuất bản sẽ luôn nói: "Nếu chị cảm thấy câu hỏi này làm chị nhớ lại quãng thời gian trước, chị có thể không trả lời".

"Chúng tôi không muốn vết thương của nhân vật nhói đau lại. Dù là nỗi đau, nhưng chúng ta vẫn sẽ thấy tia sáng và cả những hy vọng trong cuốn sách này", bà Lan nói. 

"Tôi đã thoát khỏi vòng tròn bạo lực gia đình"

Bà Nguyễn Khánh Linh, Phó Phòng Công tác Xã hội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, hy vọng Đi về phía bình yên sẽ là thông điệp khích lệ những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới sẽ lên tiếng để nhận được sự hỗ trợ.

"Thông qua cuốn sách, chúng tôi mong rằng cộng đồng xã hội sẽ nâng cao nhận thức về các vấn đề bạo lực giới, xâm hại tình dục và mua bán người. Các cơ quan chức năng có thể xây dựng các chính sách đồng bộ để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân thuộc nhóm đối tượng nêu trên", bà Linh nói.  

Tôi dũng cảm tháo chạy khỏi bạo lực gia đình 18 năm để đi về phía bình yên - 3

Bìa sách "Đi về phía bình yên" (Ảnh: BTC).

Chị Phạm Ngọc Lan, một trong 12 nhân vật trong cuốn sách, cho hay trước đây từng rất ngại và cảm thấy xấu hổ khi nói về câu chuyện của bản thân. Chị đã âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình suốt 18 năm, nghĩ rằng số phận đã an bài, cho đến khi chị biết đến Ngôi nhà Bình yên. 

Tại đây, chị hiểu được thế nào là "vòng tròn bạo lực", rằng bạo lực gia đình không phải lỗi của nạn nhân. Nếu nạn nhân không lên tiếng, thì vòng tròn đó sẽ mãi luẩn quẩn khiến họ không bao giờ thoát ra được.

Ngôi nhà Bình yên đã thay đổi số phận của chị Lan, vấn đề bạo lực gia đình đã được giải quyết dứt điểm cách đây 7 năm. 

"Có những người phụ nữ nghĩ rằng cố gắng chịu đựng bạo lực gia đình để các con có đầy đủ bố mẹ, nhưng với cá nhân tôi, điều đó là sai", chị nói.

Khi gia đình đã có bạo lực, thì gia đình đó không còn hạnh phúc nữa. Khi những đứa trẻ phải sống trong môi trường bạo lực, thì đó là một sự tra tấn với chúng.

"Ngôi nhà Bình yên đã tái sinh hai mẹ con tôi, giúp con gái tiếp tục đến trường, tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi", chị nói hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, không còn cảm thấy xấu hổ về bạo lực gia đình, dù đó là vết thương không bao giờ lành.

"Tôi quyết định nói lên câu chuyện của chính mình, hy vọng những người phụ nữ không may gặp hoàn cảnh giống tôi có thể tìm được một lối thoát, một cách giải quyết bạo lực triệt để", chị Ngọc Lan nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm