1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động làm việc độc hại không được hưởng ưu đãi BHXH vì... cái tên

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Do tên vị trí công việc tại doanh nghiệp khác tên gọi trên danh mục quy định nên nhiều người lao động (NLĐ) làm công việc nguy hiểm, độc hại chưa được hưởng các ưu đãi bảo hiểm xã hội (BHXH).

NLĐ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (gọi tắt là nghề NN-ĐH-NH) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư số 11/2020/TT- BLĐTBXH được hưởng các chế độ BHXH tốt hơn NLĐ làm công việc khác, thể hiện rõ nhất ở chế độ ốm đau (thời gian hưởng chế độ dài hơn với mức hưởng cao hơn) và hưu trí (được nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưu quy định).

Tuy nhiên, hiện nhiều NLĐ gặp phiền phức khi giải quyết chế độ BHXH vì định danh vị trí công việc của họ tại doanh nghiệp khác với tên gọi trong danh mục nghề NN-ĐH-NH do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Lao động làm việc độc hại không được hưởng ưu đãi BHXH vì... cái tên - 1

Ngành may có nhiều vị trí công việc độc hại nhưng không trùng tên với tên gọi trong danh mục (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Đại diện công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TPHCM) phản ánh: "Trong công ty có nhiều công việc được xác định là nặng nhọc, độc hại thuộc ngành da giày, dệt may. Tuy nhiên, tên gọi các vị trí công việc trong công ty không giống hoàn toàn với danh mục mà Bộ LĐ-TB&XH ban hành".

Ví dụ, với công việc cắt vải, tên trong danh mục là "Cắt vải trong công nghệ may". Ở công ty Thuận Phương, công nhân cắt vải được phân chia thành các chức danh: thợ cắt, bỏ hàng, đánh số…

Nhân viên thuộc các chức danh trên làm việc trong cùng một vị trí, có cùng điều kiện môi trường làm việc, chịu chung các yếu tố nặng nhọc độc hại (như đứng suốt ca làm việc, căng thẳng thị giác và mệt mỏi thần kinh, chịu tác động của hơi nóng và bụi bông…).

Đại diện công ty cho biết thêm: "Cơ quan BHXH địa phương có yêu cầu công ty chúng tôi phải ghi đúng theo tên gọi trong danh mục trong thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH nếu muốn áp dụng các chế độ BHXH của NLĐ làm công việc nặng nhọc".

Điều quan trọng là các chức danh nghề nghiệp này tại doanh nghiệp đã có từ lâu, trước khi danh mục nghề độc hại được ban hành. Nay doanh nghiệp đã điều chỉnh cho phù hợp nhưng rắc rối xảy ra ở thời gian đóng BHXH trước đó, khi định danh công việc tại công ty không trùng với tên trong danh mục nghề NN-ĐH-NH.

Băn khoăn về vấn đề này, đại diện công ty Thuận Phương hỏi: "Năm 2005, nhân viên đã vào công ty làm việc với chức danh công nhân may và làm việc ở một vị trí đó đến nay. Đến năm 2022, công ty mới cập nhật tên chức danh thành "vận hành máy may công nghiệp". Vậy thời gian làm công việc nặng nhọc độc hại của nhân viên này có được tính là toàn bộ thời gian từ 2005 đến nay không, hay phải trừ thời gian tham gia BHXH theo tên công việc không phù hợp với Thông tư?".

Giải đáp, BHXH TPHCM cho rằng, trường hợp NLĐ làm nghề, công việc NN-ĐH-NH nhưng trên sổ BHXH và dữ liệu đóng BHXH chưa ghi nhận đúng chức danh công việc như trường hợp trên thì NLĐ hoặc doanh nghiệp phải lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định.

Cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH xem xét điều chỉnh chức danh làm nghề, công việc NN-ĐH-NH là các giấy tờ gốc có liên quan xuyên suốt thời gian cần điều chỉnh được quy định tại Phụ lục 01 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Hồ sơ là 1 trong các loại giấy tờ sau: quyết định phân công vị trí công việc, hưởng lương; hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các giấy tờ khác có liên quan đến việc điều chỉnh.

Tuy nhiên, thêm một rắc rối phát sinh là có nhiều trường hợp NLĐ đã làm nghề NN-ĐH-NH rất lâu, nghỉ việc nhiều năm và không còn lưu giữ các giấy tờ gốc theo quy định của BHXH Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, Công ty CP dệt may ĐT-TM Thành Công (TPHCM) phản ánh, tại đơn vị có nhiều NLĐ không biết để lưu các hợp đồng lao động, quyết định lương để chứng minh làm trong môi trường độc hại, hồ sơ công ty cũng không lưu trữ do NLĐ nghỉ việc đã lâu.

Đơn vị này đặt vấn đề: "Trong trường hợp mất các giấy tờ chứng minh thì công ty làm công văn giải trình hoặc làm lại các quyết định cho NLĐ và cam kết có được không? Vì nếu không điều chỉnh được thì rất thiệt thòi cho NLĐ khi họ làm công việc nặng nhọc, độc hại mà không được hưởng".

Với trường hợp này, BHXH TPHCM nêu rõ, trường hợp NLĐ làm nghề NN-ĐH-NH nhưng trên số BHXH và dữ liệu đóng BHXH chưa ghi nhận mà NLĐ không còn giữ hồ sơ, giấy tờ gốc thì cơ quan BHXH không có cơ sở để thực hiện điều chỉnh.

Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết danh mục nghề NN-ĐH-NH TẠI ĐÂY.