(Dân trí) - Hơn 4000 ngày, 100.000 giờ đồng hồ, họ vẫn cần mẫn thực hiện công việc với một mong mỏi duy nhất: Ngày nào đó, một trẻ sẽ ngóc đầu, cử động và hôn cô giáo.
Hơn 4.000 ngày, 100.000 giờ đồng hồ, họ vẫn cần mẫn thực hiện công việc với một mong mỏi duy nhất, ngày nào đó, một trẻ sẽ ngóc đầu, cử động và hôn cô giáo.
"Bảo! Mau đi con! Trong túi này…"
"Bảo ơi! Một chút nữa thôi! Cố lên! Một chút nữa nghen…".
Cô giáo Ngân vừa động viên, vừa ghì chặt chiếc túi ni-lông màu đen tuyền cố định trước mặt Gia Bảo (7 tuổi). Bên kia, trên cái ghế cao hơn đầu, tay cậu bé đã run lên bần bật, từng ngón co quắp như que củi vẫn gắng gượng từng chút một luồn vào túi. Thế nhưng, 4 phút đồng hồ đã trôi qua mà Bảo chỉ mới hoàn thành nửa chặng đường buộc lòng cô giáo phải dừng lại, vuốt tay, nắn cơ trợ giúp.
"Chút thôi con! Ngoan nào…", giọng Ngân đã nghẹn từ lúc nào khi chứng kiến Bảo đè bàn tay xuống mặt bàn nặng trĩu như quả tạ nhỏ. Hơn 10 phút sau, một con heo bằng nhựa được lôi ra, cậu bé nở nụ cười nửa miệng, bập bẹ kêu: "Hêu… Ê… Ê (Heo-PV)".
"À! Đúng rồi! Là heo. Heo con bắt đó. Giờ con đọc cho cô tên từng con vật nha…" - Ngân tiếp tục nói.
"Ê (heo). À (gà). Ò (bò). I (vịt)" - vài tiếng không rõ ràng, phát âm chậm chạp như thể bộ phim đã tua đi tua lại hơn trăm lần khiến đôi mắt cô giáo ngân ngấn nước. Bởi những điều quá đỗi bình thường ấy, đối với đứa trẻ bại não như Gia Bảo lại là kỳ tích mà cả cô và trò đã luyện tập hơn tháng, đều đặn ngày ngày, bất kể sáng chiều mới có được.
6 năm trước, Gia Bảo đến Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật (quận 3, TPHCM) trong tình trạng chân tay co quắp, vận động yếu, cơ bắp lúc mềm nhũn như bùn, lúc cứng đơ như sắt khiến đồ vật dù đặt ngay trước mặt mà cậu bé không bao giờ cầm, sờ, nắm được.
Ban đầu, cô giáo Ngân sử dụng hộp giấy khoét lỗ rỗng, nắm tay Bảo đặt vào trong để hướng dẫn bé cùng lần mò tìm đồ vật. Thấy tay trò co cứng, cô giáo lại xoa bóp. Sau đó, cô để trò tự chủ động tìm kiếm. Cuối cùng là bài học vượt qua vật cản trong chiếc túi thuôn dài, cậu học trò cố lục tìm để mang về cho cô những món đồ chơi đủ màu sắc. Chỉ chừng đó hoạt động thôi Bảo đã mất hơn tháng học, luyện tập mới thực hiện thành công. Còn với việc phát âm, hành trình là hơn 6 năm.
Cứ vậy, hơn 40 năm nay, hàng ngàn đứa trẻ từ khi sinh ra đã mang định mệnh "phải chăm nom cả đời", trí tuệ chỉ dừng lại ở mức vài tháng tuổi như Gia Bảo, vậy mà sau thời gian điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật đã có thể ngóc đầu, lật, bò, trườn, đứng, ngồi, trò chuyện…
Đó thực sự là những kỳ tích được viết nên từ trách nhiệm, nỗ lực, tình yêu thương và sự kiên nhẫn kéo dài hàng chục năm.
"Em biết cực đấy! Nhưng làm là làm, yêu thì cứ yêu thôi" - Ngân nhớ về khoảnh khắc cô đặt bút ghi nguyện vọng thi tuyển ngành giáo dục đặc biệt, chăm sóc trẻ tự kỷ và bại não cách đây hơn 10 năm.
Hồi ấy, ở cạnh nhà Ngân có 2 chị em song sinh cùng mắc hội chứng bại não. Cả tuổi thơ họ chưa một lần được đứng, ngồi, chạy nhảy… Sự sống đều dựa hẳn vào đôi bàn tay của người mẹ già.
Ban đầu, Ngân sợ lắm! Nhưng đến khoảnh khắc chứng kiến ánh mắt đong đầy tình yêu của hai đứa trẻ nhà hàng xóm khi nhìn mẹ trước lúc qua đời, Ngân đã có cái nhìn khác hơn đối với người khiếm khuyết. "À, thì ra mọi thứ không đáng sợ như mình nghĩ! Khuyết điểm bề ngoài, trí não đôi khi cho họ trái tim, tình yêu thương cao cả hơn bình thường. Chính điều đó làm mình càng nể phục, yêu bệnh nhân nhiều hơn" - Ngân tâm sự.
Thành lập từ năm 1978, hơn 40 năm nay, Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM đã tham gia điều trị phục hồi chức năng và trợ giúp cho hàng nghìn trẻ em khuyết tật, mồ côi, bại não, tự kỷ… ở TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó, hiện tại cơ sở đang chăm sóc bán trú và nội trú cho gần 250 bệnh nhi.
250 đứa trẻ, 250 hoàn cảnh, không có hành trình nào tìm đến trung tâm không đặc biệt. Thế nhưng tất cả đều cùng một hy vọng: Được sống như một đứa trẻ bình thường!
Để đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị, những đứa trẻ sẽ được chia thành từng nhóm dựa trên tình bệnh và khả năng phục hồi. Nhiều trẻ có khả năng phát triển tốt sẽ tiếp tục học chữ, tham gia đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ. Thế nhưng các trường hợp còn lại đôi khi chỉ cần cử động ngóc đầu, lật, bò, trườn, đứng, ngồi… đã là kỳ tích. Thậm chí một vài trẻ suốt 30 năm nằm bất động, được duy trì cuộc sống bằng sự can thiệp 1:1 đặc biệt từ đội ngũ giáo viên, y tế.
"Nếu không có tình yêu, trái tim luôn đặt sẵn trên đôi bàn tay thì chẳng ai theo đuổi nghề này đâu. Bởi ở đây có nhiều giáo viên chưa lập gia đình, nhưng họ đã nhận mình là mẹ, xem học trò như con để tích cực làm cả những công việc vệ sinh, dạy dỗ, vui chơi cùng…" - cô giáo Phan Thị Hiền (39 tuổi, Tổ trưởng Tổ Khiếm khuyết vận động) nhận định.
4 năm trước, Hiền là một giáo viên mầm non. Trong một lần tình cờ ghé thăm trung tâm cùng chồng, lần đầu tiên chứng kiến nhóm trẻ sơ sinh, thiểu năng trí tuệ với đầy đủ hình hài dị dạng, cô gái trẻ đã không cầm được nước mắt.
"Bữa đó trùng sinh nhật của một bé bại não. Khi lãnh đạo đến tận giường tặng quà, hỏi: "Con ước điều gì?", con bé nằm tại chỗ vẫn cất giọng lanh lảnh: "Con ước có thể ngồi". Hỏi ra, 6 năm qua, năm nào cô bé cũng nêu ước muốn vậy. Chính nó làm tôi yêu tụi nhỏ, muốn gắn bó cả phần đời còn lại cùng chúng…" - Hiền nhớ về quyết định thay đổi công việc của mình như thế.
Còn 5 phút nữa là 13h30, giờ học buổi chiều. Những đứa trẻ đã thức dậy sớm, chủ động sắp xếp mền gối rồi ùa ra căn phòng rộng chừng 50m2. Nhóm đầu tiên ngồi ngăn nắp vào chiếc bàn chung, ê a đọc chữ. Nhóm thứ hai quây quần quanh cô giáo, chăm chú theo dõi các hình minh họa dán trên tường để làm theo mệnh lệnh. Riêng nhóm thứ ba thì tham gia các trò chơi vận động, tập thể dục, yoga… Mỗi nhóm có cả những "đứa trẻ" đã 20 tuổi vẫn nắm chặt tay đứa 5 tuổi, 7 tuổi, cùng đứng lên ngồi xuống, xì xào nhỏ to khi cô liên tục nhắc học trò chú ý lắng nghe quy luật một trò chơi để tăng khả năng vận động.
Cô Thanh chia sẻ, mặc dù độ tuổi sinh lí lên đến 15 tuổi, 20 tuổi, thế nhưng trí não của nhiều "trẻ" chỉ ở mức sơ sinh. Vì vậy, đối với chúng, thực hiện thành công các hoạt động sống cơ bản đã là sự chờ đợi lớn nhất của cả giáo viên và gia đình.
"Nếu bình thường, các cô chỉ cần dạy 2 - 3 lần là các bé hiểu thì với học sinh đặc biệt ở đây thì phải mất cả tháng, vài tháng, vài năm tập làm quen. Thậm chí việc tập cho các em ngồi yên, lắng nghe và im lặng đã là thử thách. Bởi vậy, tùy vào từng tình trạng, thành công đôi khi chỉ cần trẻ được học chữ, ê a hát vài câu trong một bài hát yêu thích…" - chị Thanh vừa nói, vừa mở ra khoe bức ảnh chụp nụ cười của một cậu bé đã 10 năm đồng hành với trung tâm.
Chị Thanh nhớ ngày đầu tiếp nhận, cậu bé 10 tuổi nhưng trí tuệ chỉ dừng lại ở 10 tháng tuổi khiến cậu không thể tự chủ ngồi, đứng, sợ hãi giao tiếp xã hội đến mức luôn cào cấu bàn tay đến bật máu để hành hạ bản thân.
Suốt thời gian đó, cô giáo đều túc trực bên cạnh, can thiệp 1:1 để giúp bé cảm nhận tình yêu thương. Đến giờ nghỉ ngơi, chị Thanh đặt bé vào túi ngủ, đầu luôn đội mũ tránh con lên cơn, đập đầu vào tường.
Thế mà sang năm thứ 3, cậu bé đã biết lắng nghe, thực hiện gọn lỏn động tác ngồi, đứng, thậm chí tắm rửa, xúc cơm ăn. Một buổi chiều, Thanh hỏi: "Con có thương cô không?", cậu bé gật đầu, ghé sát má hôn cô giáo khiến chị vỡ òa hạnh phúc.
"Hình hài khiếm khuyết, không thể hoạt động, giao tiếp… khiến trẻ bại não, tự kỷ hỗn loạn, dễ bực bội, tấn công người khác hoặc hủy hoại chính mình. Vì vậy, đối với chúng mình, hy vọng lớn nhất là bé hoàn thiện những kỹ năng cơ bản nhất, phục vụ bản thân mà không cần bố mẹ ở cạnh 24/24. Để đạt những điều đó, chúng mình có khi mất cả 5 năm, 10 năm" - chị Trần Thị Thanh Thúy tiếp lời.
Thầy Mai Trường Thành nhớ mãi về thời gian đầu tiên cậu bé Lê Minh Sở (4 tuổi) đến với trung tâm. Sở mắc hội chứng tự kỷ, mồ côi bố mẹ từ lúc mới lọt lòng nên ánh mắt đã mơ hồ, gần như không còn sức sống. Thế mà hơn 1 năm tham gia điều trị, Sở đã có thể hát trọn vẹn bài hát "Bà ơi bà", dù chưa tròn vành rõ chữ.
Một kỳ tích khác đối với cô giáo Ngân là mặc dù trẻ bại não gặp khó khăn trong vận động, thế mà tình cờ một lần vui chơi cùng các con, chị ra bài toán thách đố: "Ai nhảy dây được, cô thưởng!". Ấy vậy, các bé đã dùng hết sức đè sợi dây xuống đất để lăn người bật sang khiến chị vô cùng bất ngờ.
"Không cần nói nhưng đôi khi chỉ cần quan sát ánh mắt, nụ cười là mình đã biết trẻ yêu thương thầy cô như thế nào. Nhiều bạn ở với mình ngày ngày, được quan tâm, dành thời gian vui chơi nên tình cảm đong đầy như bố mẹ. Mình hỏi "Ai yêu cô thì giơ tay lên?" thì cả lớp đều giơ tay, có bé không thể chồm tới chỗ mình chứ mình ghé sát mặt là bé sẽ dúi vào biểu trưng tặng nụ hôn. Tụi trẻ con đáng yêu như vậy, sao mình không yêu được!" - chị Ngân cười.
Trên thực tế, nhiều trẻ tự kỷ, bại não lần đầu tiên đến Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật trong tình trạng nặng, gần như là "vô phương cứu chữa". Vậy mà, bằng tình yêu thương và sự chăm sóc tận tình như người mẹ của đội ngũ giáo viên, y tế, hàng ngàn trẻ đã trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Thậm chí, khả năng phục hồi vượt ngoài mong đợi của thầy cô khi các em có thể chạy nhảy, hát trọn vẹn bài hát như một đứa trẻ bình thường.
Thế nhưng, trong hành trình ấy, giáo viên thừa nhận, nếu chỉ có sự can thiệp của trung tâm mà không có sự đồng hành từ phụ huynh thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Bởi nếu trẻ mắc bệnh đau một thì gia đình trẻ mang nỗi đau gấp mười. Vì vậy, trong suốt quá trình tìm lại sự sống, nhiều cha mẹ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng, chấp nhận đầu hàng số phận.
"Bên cạnh công việc chăm sóc trẻ, các giáo viên phải tham gia hỗ trợ tinh thần cho bố mẹ, giúp tất cả vững vàng niềm tin vào thầy cô. Đôi khi gia đình có thể bỏ cuộc đó nhưng với giáo viên chúng mình thì không!" - cô Thúy chia sẻ.
10 năm trong nghề chăm sóc trẻ khiếm khuyết, Thúy không nhớ hết bao nhiêu trường hợp bố mẹ tìm đến trung tâm khi trẻ nhỏ mà tình trạng vô cùng nặng nề. Với sự nôn nóng, không nhìn thấy tín hiệu phục hồi sau 2-3 năm, gia đình buộc dừng điều trị cho trẻ, hoảng loạn mang con sang các cơ sở khác với hàng loạt liệu trình khác, thậm chí tin tưởng vào cả tâm linh.
"Đã thử hết mà không có kết quả, họ mới quay về tìm mình khi tình trạng bé đã nặng hơn. Cứ vậy, có nhiều bé mình mất tận 10 năm, đều đặn từng ngày, cần mẫn chăm sóc, lặp đi lặp lại đúng động tác vật lý trị liệu, chỉ để đợi trẻ ngóc đầu, lật, bò, trườn…
Không những thế, vì nỗi khủng hoảng, nhiều gia đình quyết định không sinh thêm, mặc dù rất thích trẻ con. Lúc bấy giờ, giáo viên phải luôn ở cạnh, động viện, chữa trị vết thương tâm hồn, khi họ đã có thêm đứa nữa, hoàn toàn lành lặn, niềm vui trở lại khiến gia đình có thêm động lực vào quá trình điều trị cho đứa con thiệt thòi" - Thúy cười.
Cứ vậy, vất vả có, khó khăn có, nước mắt có, thế nhưng hỏi ra, tất cả giáo viên, bác sĩ ở Trung tâm phục hồi chức năng & Trợ giúp trẻ khuyết tật đều khẳng định cả đời này sẽ theo đuổi công việc chăm sóc trẻ khuyết thiếu. Bởi họ cho rằng, những đứa trẻ "đặc biệt" ấy đã cho họ nhiều hơn là mất.
Những thầy cô giáo mặc áo blouse thấu hiểu, may mắn nhất với mỗi con người đơn giản là sống cuộc đời bình thường. Đó là sự bình thản, cách trân trọng gia đình và yêu quý những người xung quanh. Đó là trái tim giàu lòng trắc ẩn dành cho những số phận khiếm khuyết. Và cuối cùng là sự nhẫn nại đến vô cùng đợi chờ hy vọng.
Chị Trần Thị Thanh Thúy, 12 năm nay, ngày ngày đều tập vật lý trị liệu, bấm huyệt, xoa bóp và tập yoga cho ngần ấy đứa trẻ. Tức là hơn 4.000 ngày, 100.000 giờ đồng hồ, chị vẫn thực hiện công việc với một mong mỏi duy nhất: Ngày nào đó, một trẻ sẽ ngóc đầu, cử động và hôn cô giáo.
Đó là sự kiên nhẫn không gì sánh bằng!
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Quang Ninh, Phạm Thọ
Thiết kế: Thủy Tiên.