368.000 cuộc gọi "ứng cứu" trẻ em, tăng thêm số ca cần can thiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu toàn ngành phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện...

Đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.

Cụ thể, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về công tác trẻ em năm 2022; tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành về thực hiện quyền trẻ em…

Ngành LĐ-TB&XH đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích liên quan đến trẻ em; trọng tâm là phòng, chống đuối nước ở trẻ em; thực hiện rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.

368.000 cuộc gọi ứng cứu trẻ em, tăng thêm số ca cần can thiệp - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật tại TPHCM (Ảnh: Ip Thiên).

Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19; bảo đảm cho tất cả trẻ em đều được đón tết an toàn, vui tươi, lành mạnh. Trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được trên 122 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho gần 126.000 lượt trẻ em với kinh phí trên 91 tỷ đồng.

Ước thực hiện năm 2022, số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em chiếm khoảng 57% tổng số; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm còn 6,8%.

Trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ký 4 Quy chế/Kế hoạch phối hợp liên ngành về thực hiện các đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em; đồng bộ cơ sở dữ liệu trẻ em; phối hợp xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em; phối hợp phòng, chống đuối nước giai đoạn 2022-2030.

9 tháng đầu năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận trên 368.000 cuộc gọi đến (giảm gần 140.000 cuộc so với cùng kỳ năm 2021), tiếp nhận gần 10.000 lượt thông báo qua ứng dụng và zalo (tăng trên 8.000 lượt so với cùng kỳ 2021). Trong số đó có gần 27.800 cuộc gọi tư vấn và 1.561 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em (tăng 304 ca so với cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, Bộ cũng đánh giá hiện nay vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực trẻ em và đang có xu hướng gia tăng; xâm hại tình dục trẻ em vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước. Trong 9 tháng đầu năm 2022 có đến 385 trẻ em tử vong do đuối nước.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn quốc phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với số nạn nhân là 1.806 trẻ em, giảm 1,5% số vụ và tăng 0,5% số trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2021.

Trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ 82,2%, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm 2021. Một số vụ việc xảy ra tại các cơ sở trông giữ trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây phẫn nộ, bức xúc dư luận xã hội.

368.000 cuộc gọi ứng cứu trẻ em, tăng thêm số ca cần can thiệp - 2

Bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).

Ngoài ra còn xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em mà đối tượng xâm hại là người nước ngoài (tại Sóc Trăng, TPHCM); thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng là trẻ em hoặc người chưa thành niên (xu hướng trẻ hóa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em).

Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu toàn ngành phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ trẻ em di cư cùng cha mẹ đến các khu công nghiệp, các khu trọ ở các thành phố. Xây dựng và triển khai các quy chế phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em, thực hiện quy trình, kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu phải đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, vận động nhân dân và toàn xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; truyền thông, giáo dục chính sách, pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em…

Trong đó, chú trọng truyền thông trực tiếp nhằm bảo đảm thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em đến từng đối tượng, gia đình, cộng đồng dân cư.

368.000 cuộc gọi ứng cứu trẻ em, tăng thêm số ca cần can thiệp - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Ảnh: Gia Đoàn).

Trong năm 2023, ngành LĐ-TB&XH sẽ củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại hoặc bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Đồng thời, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai các giải pháp, mô hình, dịch vụ hỗ trợ, can thiệp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trọng tâm là các đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em…

Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng, trình Bộ Chính trị/Ban Bí thư ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới.

Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em và các chính sách khác có liên quan đến trẻ em, đặc biệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; hợp phần trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Đề án chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.