215 tỷ đồng chi trợ cấp thai sản mỗi năm cho phụ nữ ở nhà nội trợ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện không đóng thêm chi phí vẫn được hưởng chế độ thai sản do nhà nước chi trả. Dự kiến mỗi năm ngân sách chi 215 tỷ đồng cho khoản này.

Theo quy định hiện hành, BHXH tự nguyện dành cho người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Để khuyến khích người dân tham gia hệ thống, Nhà nước đã hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện. Dù vậy, mức hỗ trợ vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) vừa trình Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn".

Cụ thể là người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, người tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…

Từ thực tế đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện. Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dành 1 mục trong chương VI để quy định về trợ cấp thai sản dành cho nhóm lao động này.

Theo đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con, nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con.

215 tỷ đồng chi trợ cấp thai sản mỗi năm cho phụ nữ ở nhà nội trợ  - 1

Phụ nữ ở nhà nội trợ, người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ thai sản (Ảnh minh họa: Bảo Kỳ).

Điều đặc biệt là chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm chi phí nào so với mức tham gia hiện hành.

Điều 38 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định rõ, tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện vẫn giữ nguyên mức 22%, đưa vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tức là, người tham gia BHXH tự nguyện không phát sinh chi phí đóng vào quỹ thai sản mà vẫn được hưởng thêm chế độ trợ cấp thai sản.

Để thực hiện quy định tăng thêm chế độ này cho người tham gia BHXH tự nguyện, dự kiến mỗi năm, phần chi ngân sách nhà nước sẽ phát sinh thêm bình quân 215 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện mà người lao động không phải đóng góp nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh.

Góp ý đề xuất trên, hầu hết các tổ chức và cá nhân đều nhất trí. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức hỗ trợ thai sản.

Tại công văn số 2431/BCT-TCCB, Bộ Công Thương nêu quan điểm: "Đề nghị với việc tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản theo tỷ lệ (có thể từ 30% đến 50%) bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi con sinh ra thay vì mức 2 triệu đồng".

Giải trình về ý kiến này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giữ nguyên mức hỗ trợ thai sản như trong dự thảo. Theo cơ quan chủ trì soạn thảo luật, chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện được trợ cấp hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, người lao động không phát sinh nghĩa vụ đóng. Do đó, để đảm bảo công bằng giữa những người tham gia, chỉ nên quy định một mức hưởng thống nhất.