1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sau 14 năm cưới nhau, đây là lần đầu tiên chị Lâu về ăn Tết ở quê chồng. Trên "chuyến bay không đồng" từ TPHCM về Thanh Hóa, nữ công nhân không khỏi xúc động.

Lần đầu ăn Tết quê chồng

23h30' ngày 11/1, "chuyến bay không đồng" mang số hiệu VJ 1242 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cùng nhà tài trợ đưa công nhân về quê ăn Tết đáp xuống sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong số 225 đoàn viên, công nhân hồi hương dịp này, gia đình chị Trần Thị Mai Lâu (33 tuổi) không khỏi xúc động khi bước xuống máy bay.

Chị cho biết, chuyến bay đặc biệt đã chắp cánh, đưa ước nguyện về quê ăn Tết của gia đình chị thành hiện thực sau 14 năm xa xứ. "Mỗi năm, Tết là dịp để cả gia đình sum vầy bên bạn bè, người thân. Nhưng sau 14 năm kết hôn, đây mới là lần đầu tiên tôi được về quê chồng ăn Tết. Cuộc sống công nhân xa nhà, cũng nhiều năm, vợ chồng đắn đo, lên dự định về ăn Tết ở quê với bố mẹ nhưng đều bất thành vì điều kiện kinh tế khó khăn", nữ công nhân chia sẻ.  

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng - 1

Sau 14 năm kết hôn, đây là lần đầu tiên chị Lâu cùng gia đình về ăn Tết ở quê chồng.

Chị Lâu quê ở tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Năm 2008, chị quen và kết hôn với anh Hoàng Đình Nam (37 tuổi, quê xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) khi cả hai đang làm công nhân tại một công ty sản xuất giấy ở Bình Dương.

Cuộc sống nơi xa xứ của đôi vợ chồng trẻ vốn khó khăn, lại thêm nỗi lo cơm áo, gạo tiền, chi phí nuôi hai con nhỏ ăn học khiến nhiều năm anh Nam chưa thể đưa vợ và con cùng về quê ăn Tết.

Theo anh Nam, cũng vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, trong ngày cưới, anh chỉ đủ kinh phí mua vé xe để bố mẹ vào chung vui với vợ chồng. Không cỗ bàn linh đình, không đông đủ anh em, bạn bè, đám cưới của cặp vợ chồng công nhân ngày ấy diễn ra đơn sơ nơi đất khách.

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng - 2

Trở về quê trên "chuyến bay không đồng", anh Nam bồi hồi xúc động khi được đoàn tụ cùng gia đình đón Tết.

Anh cho biết, kể từ ngày cưới đến nay, đây là năm đầu tiên cả gia đình anh cùng nhau về quê ăn Tết với bố mẹ. "Từ khi cưới đến bây giờ, đây là lần đầu tiên cô ấy (chị Lâu - PV) về ăn Tết ở quê chồng. Đợt Tết năm ngoái, vợ chồng tôi có dự định sẽ về ăn Tết với bố mẹ nhưng vì dịch Covid-19 nên không thể về được. Tôi động viên vợ đợi dịch qua đi, Tết năm nay, 2023, vợ chồng cố gắng tích góp để về quê, nhưng vừa làm được ít tháng thì công ty giảm đơn hàng, công việc giảm sút, thu nhập bấp bênh", anh Nam chia sẻ.

Theo nam công nhân, có thời điểm, tổng thu nhập một tháng của cả gia đình chỉ khoảng 6 triệu đồng. Để gồng gánh nuôi các con ăn học, anh Nam phải đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập.

"Công ty không có việc để tăng ca, tôi phải đi làm thuê ở ngoài vào ban đêm. Những tưởng cuối năm công việc tạm ổn định, vợ chồng cày cuốc thêm để lấy tiền về quê nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ. Càng cuối năm đơn hàng càng giảm sút, mọi dự định về quê ăn Tết đành gác lại", anh Nam nói.  

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng - 3

225 công nhân Thanh Hóa được về quê đón Tết sớm.

May mắn, trong lúc khó khăn bủa vây, vợ chồng anh biết đến "chuyến bay không đồng" hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết.

"Vừa biết tin về chuyến bay không đồng, vợ tôi đăng ký ngay. Thật may mắn, chúng tôi đã được hỗ trợ về quê trong chuyến bay này. Trước khi về quê, tôi có gọi cho bố mẹ. Ông bà vui mừng vì đã lâu lắm rồi chưa được gặp hai cháu nội. Đây sẽ là cái Tết vui nhất đối với chúng tôi. Dự kiến ăn Tết xong chúng tôi sẽ quay lại Bình Dương để tiếp tục làm việc, hy vọng sang năm mới công việc sẽ ổn định trở lại", anh Nam tâm sự.

500 tỷ đồng hỗ trợ công nhân khó khăn

Cũng trong tối 11/1, để kịp thời động viên, hỗ trợ người lao động về quê ăn Tết trên "chuyến bay không đồng", đoàn công tác do ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam dẫn đầu đã có mặt tại Cảng hàng không Thọ Xuân để đón, tặng quà các công nhân từ phía Nam về quê.

Ông Phan Văn Anh nhấn mạnh, 2022 là năm khó khăn sau đại dịch Covid-19. "Trong thời gian Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp và người lao động lao đao. Tuy nhiên, sang năm 2022, hậu Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp giảm các đơn hàng, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Thậm chí, có những lao động bị mất việc, không có tiền về quê ăn Tết", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Theo ông Anh, xuất phát từ những khó khăn đó, Tổng LĐLĐ đã phối hợp với CTY HD Sai Son và hãng hàng không Vietjet tổ chức "chuyến bay không đồng" để người lao động có điều kiện về quê ăn Tết. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức chuyến bay, các nhà tài trợ cũng có phần quà hỗ trợ thêm.

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng - 4

Một em bé vui mừng khi được cùng bố mẹ về quê ăn Tết.

"Chuyến bay hỗ trợ công nhân Thanh Hóa làm việc tại các tỉnh phía Nam là chủ trương chung của Tổng LĐLĐ cũng như việc phối hợp với các nhà tài trợ. Đây là hoạt động công đoàn có ý nghĩa, giúp người lao động đã lâu không về quê ăn Tết, đặc biệt là những lao động bị giảm việc làm, thu nhập thấp trong thời gian vừa qua. Thậm chí, nhiều lao động nếu không có chuyến bay này thì thực sự không đủ điều kiện để về quê ăn Tết", ông Phan Văn Anh cho hay.

Cũng theo ông Anh, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Tổng LĐLĐ đều ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân trong cả nước. Năm nay, Tổng LĐLĐ ban hành kế hoạch số 260 với nhiều nội dung chăm lo cho công nhân dịp Tết. Trong đó, yêu cầu các cấp công đoàn dành nguồn kinh phí từ tổ chức công đoàn, vận động xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để có nguồn lực hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cơ sở cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các chủ sở hữu lao động quan tâm chăm sóc cho người lao động, đặc biệt là vấn đề tiền lương, thưởng. Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên và cơ sở cũng như Tổng LĐLĐ cũng dành khoản tiền trên 500 tỷ đồng để thăm hỏi đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ước tính khoảng một triệu người được hưởng hỗ trợ với mức 500.000 đồng/người.

14 năm sau ngày cưới, nữ công nhân lần đầu về ăn Tết ở quê chồng - 5

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh trao quà khi đến sân bay Thọ Xuân đón công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng LĐLĐ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ đi thăm và chúc Tết công nhân lao động tại 63 tỉnh, thành.

Đối với người lao động quê Thanh Hóa, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chỉ đạo LĐLĐ tỉnh chủ động đón, tặng quà công nhân, lên kế hoạch tổ chức phiên hội chợ Tết cho người lao động để khích lệ người lao động vui Tết đoàn viên ấm áp bên gia đình.