1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

105 cuộc tranh chấp dẫn đến ngừng việc tập thể trong năm 2021

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trong năm 2021, cả nước xảy ra 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 20 cuộc so với năm trước.

105 cuộc tranh chấp dẫn đến ngừng việc tập thể trong năm 2021 - 1

Trao quà tới công nhân gặp khó khăn do Covid-19.

Đây là thông tin được công bố tại hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) lần thứ 10, khóa XII diễn ra sáng 11/1, tại Hà Nội.

6.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu diễn ra vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc ngừng việc là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, đặc biệt là vào dịp Tết. Nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý và chất lượng bữa ăn ca chưa đảm bảo.

Đáng lưu ý 2 cuộc ngừng việc tập thể diễn ra trong tháng 11/2021 do doanh nghiệp tăng thời gian làm việc của người lao động lên 12 giờ/ngày mà chưa thông qua ý kiến của người lao động.

Theo Tổng LĐLĐ VN, số lượng người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng, nhất là các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2020.

Năm 2021 cũng ghi nhận những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 tới đời sống người lao động. Thống kê của Công đoàn Việt Nam, đại dịch khiến số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng. Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng hơn 370 nghìn người so với năm 2020.

Trong bối cảnh đó, Tổng LĐLĐ VN đã chủ động ban hành và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến"; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19; ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…

Tính tới nay, các cấp công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng.

Cũng trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn đã chủ động thay đổi phương pháp hoạt động với tinh thần thích ứng và linh hoạt, qua đó đã hoàn thành 10/13 chỉ tiêu của năm 2021.

Chỉnh sửa chính sách về quyền lợi của người lao động

Theo Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải, năm 2022, Công đoàn Việt Nam hướng tới nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật Công đoàn theo Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, tổ chức Công đoàn như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Nhà ở...

Công đoàn Việt Nam nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động.

Thực hiện kết nối kịp thời thông tin về cung - cầu lao động giữa các đơn vị trên cùng một địa bàn, giữa các địa bàn trong cùng một địa phương và giữa các địa phương, giúp người lao động có việc làm và ổn định thu nhập.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích đoàn viên, người lao động tại các cấp công đoàn theo hướng dẫn tại Chương trình 1734/CT-TLĐ ngày 14/11/2019 của Tổng Liên đoàn, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình đề ra, thực hiện thắng lợi 1 trong 3 khâu đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, nhiều mục tiêu cụ thể cũng được nêu ra, như: Tăng thêm 780.000 đoàn viên công đoàn, thành lập 1.814 công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên, giới thiệu 116.882 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

Đặc biệt, mục tiêu hướng tới thành lập hơn 1.200 Ban nữ công quần chúng ở ngoài khu vực nhà nước, có 1.185 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp, tổ chức hội nghị người lao động tại 2.376 doanh nghiệp nhà nước; Tổ chức hội nghị người lao động tại 30.293 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…

Người lao động về quê đón Tết: An toàn không chỉ cho cá nhân!

Liên quan tới tình hình người lao động về quê đón Tết, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, nhiều địa phương đang có những cách tiếp cận khác nhau về việc người lao động từ tỉnh xa về quê ăn Tết.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Trước hết, đây là quyền của người lao động và chúng ta phải chia sẻ với người lao động đã không được về thăm người trong 1 thời gian dài trước đó do dịch bệnh. Chúng ta cần tiếp cận theo cách động viên, khuyến khích người lao động hạn chế di chuyển trong dịp Tết. Nếu vì những lý do cần thiết phải di chuyển thì phải đảm bảo quy định 5K. An toàn cho người lao động không chỉ cho cá nhân mà cho cả cộng đồng và đó là điều kiện để đảm bảo cho người lao động được đến làm việc an toàn, đảm bảo sản xuất kinh doanh".

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, tổ chức công đoàn cơ sở đã chuẩn bị những chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động về quê đón Tết trên toàn quốc: "Khi tổ chức các chuyến xe này, chúng tôi cũng tổ chức xét nghiệm, tuân thủ 5K và hướng dẫn người lao động khi về quê hạn chế việc đi thăm thân. Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta cần chấp nhận những cái Tết không trọn vẹn như các năm trước. Vì mục tiêu chung tay chống dịch, khi kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta sẽ có những điều kiện tốt hơn trong tương lai gần".