Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Xử lý nguồn nước ô nhiễm như thế nào?

(Dân trí) - Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với hiện tượng cá chết trên sông Bưởi (Thạch Thành – Thanh Hóa), cơ quan chức năng đã “cắt” nguồn gây ô nhiễm khỏi dòng sông, không sử dụng hóa chất để xử lý nguồn nước đang bị ô nhiễm mà để dòng sông tự “chữa bệnh”.

Cá nuôi lồng chết trắng dòng sông Bưởi, đoạn qua huyện Thạch Thành - Thanh Hóa (ảnh: Duy Tuyên)
Cá nuôi lồng chết trắng dòng sông Bưởi, đoạn qua huyện Thạch Thành - Thanh Hóa (ảnh: Duy Tuyên)

Liên quan đến hiện tượng cá nuôi lồng và cá tự nhiên chết bất thường hàng loạt tại sông Bưởi đoạn từ huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đến huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) thời gian qua, chiều nay (11/5), trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) cho biết: Cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân làm nước sông Bưởi bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt là do nguồn nước thải của Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình xả ra. Hiện tại, cơ quan chức năng đã “cắt” nguồn nước xả của công ty này khỏi dòng sông. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng nghiêm cấm các xã ở lưu vực đoạn sông Bưởi nói trên không được xả nước thải nguy hại ra dòng sông.

“Ban đầu tôi cũng định đề nghị đưa chế phẩm sinh học, hóa chất xuống để xử lý nguồn nước sông Bưởi đang bị ô nhiễm nhưng lại thôi, vì xét thấy không khả thi lắm. Nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thạch Thành – Thanh Hóa đã là 50km, phạm vi rất lớn. Do vậy, cơ quan chuyên môn thống nhất là để dòng sông tự trung hòa nguồn nước, 1 thời gian dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ làm nguồn nước ổn định trở lại” – ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, cơ quan chuyên môn đã đưa ra khuyến cáo người dân thời điểm này không nên thả cá giống ngay, cần chờ 3-4 tháng nữa khi nguồn nước ổn định mới tiến hành thả cá trở lại. Đồng thời, trong quá trình chờ nguồn nước sông Bưởi ổn định trở lại, người dân có thể tiến hành thả cá giống thử với số lượng ít, nếu cá vẫn phát triển bình thường mới được thả số lượng lớn.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, sáng 4/5, trên sông Bưởi đoạn giáp xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy xuôi về địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có hiện tượng nước sông đổi màu đen lục, sủi bọt, mùi hôi và xuất hiện dấu hiệu cá tự nhiên trên sông chết hàng loạt.

Đến ngày 6/5, đã xảy ra thêm tình trạng cá lồng của bà con nhân dân địa phương chết hàng loạt gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tính đến 10h ngày 7/5, tổng số lượng cá lồng bị chết là 17.385 kg, gồm 73/109 lồng và 32/49 hộ nuôi cá lồng bị chết hoàn toàn.

Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện Thạch Thành khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân làm cá chết.

Qua kiểm tra, lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình đã thừa nhận việc xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý của nhà máy ra sông Bưởi trong thời gian từ ngày 15/3 đến ngày 25/4, với lưu lượng khoảng 250m3 - 300m3/ngày đêm. Như vậy, bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi là do hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy Đường Hòa Bình (nằm trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Nguyễn Dương