Thanh Hóa:

Vụ hàng trăm giếng nước ô nhiễm: Thống nhất phương án hỗ trợ

(Dân trí) - Sau nhiều năm người dân phải sống trong cảnh nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và qua nhiều lần kiến nghị, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước sinh hoạt thuộc vùng thượng lưu lòng hồ thủy điện Bá Thước 2.

>> Hàng trăm giếng nước bị ô nhiễm do thủy điện tích nước?

>> Vụ hàng trăm giếng ô nhiễm nghi do thủy điện tích nước: Chưa có kết luận

>> Vụ hàng trăm giếng nước ô nhiễm: Nguồn nước của dân chưa được khắc phục

Theo đó, ngày 9/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có công văn báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc thống nhất phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước sinh hoạt thuộc vùng thượng lưu lòng hồ thủy điện Bá Thước 2.

Sau khi nghiên cứu, xem xét đề xuất của UBND huyện Bá Thước và ý kiến tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, ý kiến thống nhất phương án hỗ trợ của Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều năm liền người dân phải chịu khổ vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm
Nhiều năm liền người dân phải chịu khổ vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý điều chỉnh phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước sinh hoạt thuộc vùng thượng lưu lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 từ xây bể lọc sang phương án hỗ trợ khoan giếng theo đề xuất của UBND huyện Bá Thước.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Bá Thước cùng các xã Lâm Xa, Lương Ngoại phối hợp với Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa để thống nhất số lượng giếng, mức kinh phí hỗ trợ khoan giếng và các thiết bị phụ trợ cho các hộ gia đình; bố trí vốn kịp thời để thực hiện nhằm ổn định đời sống và sinh hoạt cho người dân.

Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân khoan giếng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hợp vệ sinh; cung cấp tài liệu về biện pháp xử lý nước đảm bảo vệ sinh trước khi dùng cho ăn uống và sinh hoạt.

Trước đó, Dân trí đã có loạt bài phản ánh về tình trạng hàng trăm giếng nước của người dân tại các xã Lâm Xa, Lương Ngoại, huyện Bá Thước bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, không sử dụng được. Theo người dân địa phương, trước đây, nguồn nước sinh hoạt từ các giếng bình thường, nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2, do Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư tiến hành ngăn dòng, tích nước thì nguồn nước giếng bắt đầu đổi màu, có mùi rất khó chịu.

Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, có tổng 135 giếng tại xã Lâm Xa và xã Lương Ngoại bị ô nhiễm. Sau nhiều năm, người dân kiến nghị với chính quyền địa phương, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND các xã và Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất các biện pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tiến hành thu gom, xử lý rác thải lòng hồ thường xuyên để không làm ô nhiễm nguồn nước mặt; hỗ trợ xây dựng bể lắng lọc cho các hộ dân đang bị ô nhiễm thuộc các xã Lâm Xa, Lương Ngoại. Tuy nhiên, phương án xây dựng bể lọc nước chưa được các hộ dân nhất trí và đề nghị được hỗ trợ kinh phí để các hộ tự khoan giếng.

Duy Tuyên