Vụ chê chủ tịch tỉnh trên Facebook: Bình luận về gương mặt là xúc phạm danh dự?

(Dân trí) - Bà T. và ông P. đều có bình luận về gương mặt của Chủ tịch tỉnh An Giang. Tuy nhiên, nội dung bình luận chưa đủ dấu hiệu để kết luận là hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch tỉnh. Bình luận chỉ là thể hiện quan điểm yêu, ghét của cá nhân bà T. và ông P. về người lãnh đạo của địa phương mình - luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.

Gần đây, dư luận xôn xao về việc 3 cán bộ của tỉnh An Giang bị kỷ luật, phạt tiền vì có hành vi chê “gương mặt” của ông Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt mà Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đưa ra là thiếu căn cứ, không hợp lý và chưa thuyết phục.

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Hà Nội) - về những băn khoăn liên quan đến vụ việc này.

1-1447780548737

Luật sư Trương Quốc Hòe trao đổi với PV Dân trí

 

Luật sư Hòe cho biết, theo thông tin, bà T. và ông P. bị Sở Thông tin và Truyền thông An Giang xử phạt hành chính (mức phạt là mỗi người 5 triệu đồng) là do vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác được quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính tần số viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến (gọi tắt là Nghị định 174).

Với lý do đưa ra như trên thì có thể thấy cơ quan có thẩm quyền đang xác định bà T. và ông P. đã có hành vi quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP đó là: Điều 66: Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Luật sư Hòe nêu quan điểm, việc xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền như trên đối với ông P. và bà T. là không hợp lý và quá nghiêm khắc, mức xử phạt được áp dụng không đúng với quy định của pháp luật. Luật sư Hòe phân tích chi tiết:

Về hành vi vi phạm: Xét hành vi của bà T. và ông P.: Tháng 10/2015, bà T. xem báo thấy nội dung “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” nên đăng tải trên trang cá nhân facebook và bình luận rằng “nhìn cái mặt kênh kiệu”. Tiếp đó, ông P. và bà N. (vợ ông P., sử dụng tài khoản Facebook của ông P.) cũng vào bình luận. Như vậy bà T. và ông P. cùng có hành vi bình luận về ông Chủ tịch tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, bà T. còn có hành vi đăng tải thông tin về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Đối với hành vi đăng tải thông tin "đề nghị kiểm điểm chủ tịch": Đây là hành vi công khai và thông tin này đã được công bố trên các phương tiện truyền thông. Do đó, việc chia sẻ thông tin này trên trang mạng xã hội Facebook của bà T. không thể xem là hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.

 


Quyết định xử phạt của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đối với bà T.

Quyết định xử phạt của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đối với bà T.

 

Đối với hành vi bình luận về “gương mặt của chủ tịch UBND tỉnh An Giang": Bà T. và ông P. đều có bình luận về gương mặt của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Tuy nhiên, qua nội dung bình luận thì chưa đủ dấu hiệu để kết luận bình luận này là hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Nội dung bình luận chỉ là thể hiện quan điểm yêu, ghét của cá nhân bà T. và ông P. về người lãnh đạo của địa phương mình, từ ngữ thể hiện cũng không cho thấy đây là hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người được nói đến.

Xét về mức xử phạt: Hiện nay cơ quan chức năng đang xác định hành vi của bà T. và ông P. là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 174. Nếu theo quy định trên thì mức tối thiểu của khung hình phạt là 10.000.000 đồng. Sở Thông tin và Truyền thông An Giang xử phạt vi phạm hành chính với mức 5 triệu đồng/người, giống như "chia đôi" tiền phạt, cho thấy việc áp dụng quy định phạt không rõ ràng.

Luật sư Hòe cho biết, theo luật, nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Tại khoản 4 Điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Như vậy, có thể khẳng định, việc các cơ quan chức năng căn cứ vào quy định xử lý vi phạm hành chính trên để xử phạt bà T. và ông P. là không rõ ràng, không thuyết phục. Còn về việc xử lý bà T. và ông P. căn cứ vào quy định pháp luật như Luật viên chức, quy định về Đảng là có cơ sở.

Nguyễn Dương