Vì sao bão số 7 suy yếu nhanh trước khi vào đất liền?
(Dân trí) - Bão số 7 (tên quốc tế là Sarika) khi vào Biển Đông được đánh giá là cơn bão khá mạnh (duy trì cấp 13-14), nhưng vào đảo Hải Nam - Trung Quốc, do ma sát nên bão đã suy yếu đi nhiều (còn cấp 11). Khi vào Vịnh Bắc Bộ bão chỉ còn cấp 8, do khối khí lạnh phía Bắc nén xuống nên bão nhanh chóng bị suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Nói về diễn biến cơn bão số 7 cũng như vì sao cơn bão này lại nhanh chóng bị suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền Việt Nam, ông Trần Quang Năng - Phó trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) - cho biết: Sáng 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông (Philippines), đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016 với cường độ cấp 13, giật cấp 16.
Sau khi vào Biển Đông bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, cường độ ổn định ở cấp 13. Khi đến phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, bão bắt đầu di chuyển theo hướng Tây Bắc, mạnh lên cấp 14 trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung quốc).
Vào 10h trưa ngày 18/10 bão đổ bộ vào đảo Hải Nam và quần thảo trên đảo này trong suốt 12 giờ, sức gió mạnh nhất trong bão giảm nhanh 3 cấp so với trước khi bão đổ bộ và duy trì ở khoảng cấp 11. Khoảng 22h ngày 18/10 bão đi vào vịnh Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu nhanh.
Đến 8h sáng 19/10 cường độ bão giảm xuống còn cấp 8 và đến 11h sáng cùng ngày bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (cấp 7) trên ở vùng biển Quảng Ninh trước khi đổ bộ vào đất liền.
Về nguyên nhân khiến bão số 7 suy yếu nhanh, ông Năng cho biết, theo quy luật hàng năm, vào giữa tháng 10 bão thường đổ bộ vào miền Trung nhưng cơn bão số 7 năm nay hoạt động rất trái quy luật khi di chuyển lên phía Bắc, đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh.
Không chỉ có sự phức tạp về hướng di chuyển của bão trái mùa, cường độ bão cũng diễn biến bất thường khó dự đoán khi suy yếu rất nhanh do nhiều nguyên nhân như ma sát với địa hình đảo Hải Nam, đi lên phía bắc nên chịu tác động của không khí lạnh và đặc biệt là có sự xuất hiện của siêu bão Haima (sức gió cấp 17, tức 210 km/h) ở phía Đông Philippines. Siêu bão Haima có tốc độ di chuyển đặc biệt nhanh (30-40 km/h) và áp sát vào Biển Đông đã gây ra tương tác và ảnh hưởng rất nhiều đến cường độ và hướng di chuyển của bão số 7 theo hướng lệch Bắc và yếu nhanh.
“Khi bão đổ bộ lên đảo Hải Nam – Trung Quốc, do ma sát nên cấp độ bão đã giảm đi 3 cấp như nói ở trên. Khi vào Vịnh Bắc Bộ bão tiếp tục giảm, do bão di chuyển lên phía Bắc gặp khối khí lạnh nên bão đã càng suy yếu và thành áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, do phía sau bão số 7 là siêu bão Haima, khối khí ẩm đã bị siêu bão này hút hết nên bão số 7 không thể mạnh lên được và sẽ phải suy yếu” – ông Năng cho biết.
Trùng khớp với dự báo với các trung tâm cảnh báo quốc tế
Từ khi bão vào Biển Đông, dự báo của các Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các Trung tâm cảnh báo bão quốc tế cùng cho rằng bão số 7 sẽ vượt qua đảo Hải Nam và hướng vào vịnh Bắc Bộ, sau đó là hướng về các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ngày 16-17/10 và sáng ngày 18/10, trước khi bão đổ bộ vào Hải Nam, các Trung tâm quốc tế dự báo bão số 7 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ ở khoảng cấp 11-12, cụ thể Nhật Bản dự báo cấp 11, Hoa Kỳ cấp 11, Hồng Kông cấp 12, Trung Quốc cấp 12. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo cấp 12. Nhận định bão khi đổ bộ vào đất liền Việt Nam (Nam Đồng bằng Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ) tại thời điểm đó của các Trung tâm cũng đều thống nhất ở cấp 10-11.
Đặc biệt, khi vào Vịnh Bắc Bộ, bằng việc kết hợp phân tích ảnh mây phân giải cao 10 phút/ảnh, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phân tích ảnh ra-đa thời tiết (5 phút/ảnh) và các trạm đo gió, mưa, khí áp tự động (10 phút/lần) ở ven bờ nên đã ước lượng và đánh giá được quá trình suy yếu của bão số 7 sớm hơn các Trung tâm quốc tế khác.
Áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp trên đất liền Trung Quốc
Chiều nay (19/10), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 đã đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hồi 16h chiều cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 1,5 - 2,5 m, biển động.
Ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ đêm nay còn có mưa vừa, có nơi mưa to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở khu vực vùng núi thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Đây là tin cuối cùng về bão số 7.
Về siêu bão Haima: Hồi 16h ngày 19/10, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 124,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippines) khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 16 giờ ngày 20/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km. Đến 16h ngày 21/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Bắc Hồng Kông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đó là Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được 20-25km.
Nguyễn Dương