1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Trạm BOT Đèo Ngang bỏ hoang cả năm vẫn chưa được tháo dỡ

(Dân trí) - Mặc dù đã chấm dứt thời hạn thu phí từ ngày 30/11/2016, nhưng trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang đóng tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) của Tổng Công ty Sông Đà vẫn chưa được tháo dỡ. Hàng loạt bất cập, đặc biệt là tai nạn giao thông luôn rình rập khiến các phương tiện giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn.

Bất an, tai nạn rình rập

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt cho Tổng Công ty Sông Đà (chủ đầu tư) hoạt động, thu phí hoàn vốn từ năm 2004 đến hết năm 2023. Tuy nhiên, do lưu lượng xe qua lại tăng lên nhiều lần, nên Bộ GTVT tính toán, giảm thời gian thu phí của chủ đầu tư xuống chỉ đến cuối 2016.

Đến ngày 30/11/2016, theo văn bản chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, Tổng Công ty Sông Đà đã chính thức chấm dứt thu phí tại trạm BOT này.

Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang ngừng thu phí từ ngày 30/11/2016.
Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang ngừng thu phí từ ngày 30/11/2016.

Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang đã dừng thu phí cuối năm 2016, nhưng chưa tháo dỡ khiến các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn.

Đến nay, dù đã hơn 1 năm dừng thu phí nhưng trạm vẫn chưa được tháo dỡ khiến người dân trên địa bàn, các tài xế thường xuyên qua lại cung đường này hết sức bức xúc.

PV Dân trí vừa có mặt tại trạm thu phí dừng hoạt động này ghi nhận những bất an mà người dân và các tài xế thường xuyên qua lại phải đối mặt.

Việc các làn đường quá chật hẹp, mặt đường tại trạm thu phí dừng hoạt động này xuống cấp khiến các tài xế rất bức xúc.
Việc các làn đường quá chật hẹp, mặt đường tại trạm thu phí dừng hoạt động này xuống cấp khiến các tài xế rất bức xúc.

Theo quan sát của PV tại hiện trường, những gì người dân, các chủ phương tiện phản ánh là có cơ sở khi Quốc lộ 1A được thiết kế 2 làn xe thô sơ và 2 làn xe ô tô, tuy nhiên đến trạm thu phí lại được thiết kế 6 làn. Các ụ giảm tốc, giải phân cách bó trí dày đặc, khiến các làn đường trở nên chật hẹp.

Bình thường trạm hoạt động, các tài xế phải giảm tốc, dừng để nộp phí thì có thể chấp nhận được. Nay trạm không còn hoạt động, buộc phải giảm hẳn tốc độ mỗi khi qua trạm, các tài xế hết sức bức xúc.

“Anh thấy đấy xe đang lưu thông với tốc độ lớn, bỗng phải giảm tốc độ mỗi khi qua trạm rất phiền hà và mất an toàn. Nếu không cẩn thận, lơ đễnh, hoặc chỉ cần buồn ngủ chút xíu là xe tông thẳng vào trạm”- anh Nam, một tài xế xe đầu kéo bức xúc phản ánh.

Bốt thu phí hư hỏng, chưa tháo dỡ gây mất mĩ quan, và đe dọa đến an toàn giao thông.
Bốt thu phí hư hỏng, chưa tháo dỡ gây mất mĩ quan, và đe dọa đến an toàn giao thông.

Còn người dân sống gần trạm thu phí dừng hoạt động này cho biết, ban ngày còn đỡ, về ban đêm tiếng xe ô tô thắng gấp tạo tiếng kêu lớn khiến người dân nhiều phen giật mình.

Người dân Kỳ Nam và hầu hết các tài xế khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng cần tháo dỡ ngay trạm thu phí này để đảm bảo việc lưu thông được thuận tiện, tránh những tai nạn chết người, hư hỏng phương tiện có thể xảy ra.

Ông Hoàng Minh Việt, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh cũng bức xúc cho rằng, phản ánh của người dân và các tài xế là hoàn toàn chính đáng. “Đúng là trạm không còn hoạt động mà không tháo dỡ, chắn ngang đường như thế gây quá nhiều bất trắc cho người dân”- ông Việt nói.

Ông Việt cho biết thêm, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có kiến nghị Bộ GTVT tháo dỡ trạm thu phí này.

Đã đề xuất tháo dỡ nhưng còn chờ Bộ!

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 20/12, ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục 3 thuộc Cục Quản lí đường bộ II (đơn vị được Tổng cục đường bộ giao quản lí các tuyến Quốc lộ qua địa bàn Hà Tĩnh) thừa nhận những bức xúc của người dân khi trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang là rất đúng.

“Từ khi Tổng công ty Sông Đà dừng thu phí, Chi cục đã báo cáo Cục Quản lí đường bộ II và Cục đã trình Tổng cục đường bộ để bố trí kinh phí để tháo dỡ trạm này. Đến giờ phút này thì Tổng cục đường bộ đang báo cáo Bộ GTVT, vì BOT thì do Bộ quản lí”- ông Giang nói.


Ông Võ Trường Giang (áo đen) trao đổi cùng PV Dân trí.

Ông Võ Trường Giang (áo đen) trao đổi cùng PV Dân trí.

Ông Giang cho biết, vướng mắc hiện nay là nguồn kinh phí. “Như tôi được biết hiện Bộ đang xem xét lấy nguồn kinh phí từ nhà nước hay là của nhà đầu tư BOT? Hiện bộ vẫn chưa có cái phương án cuối cùng”- ông Giang cho biết thêm.

Cũng theo ông Giang, trong khi chưa được tháo dỡ, Cục Quản lí đường bộ II đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí.

PV Dân trí đã nối máy với ông Lê Ngọc Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ II để rõ hơn khi nào thì trạm thu phí BOT hầm đường bộ đèo Ngang được tháo dỡ. Tuy nhiên, vị Cục trưởng này không bắt máy.

Trước đó, Thanh tra Bộ GTVT thanh tra tại Trạm thu phí Hầm đường bộ qua Đèo Ngang có kết luận công ty này đã thu phí vượt 2 năm so với quy định. Tuy không công bố chi tiết số tiền thu thừa nhưng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu cập nhật từ trạm thu phí nằm trên cùng trục đường QL 1A của Công ty Tasco ở Quảng Bình, số tiền thu phí vượt thời hạn tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang có thể lên đến gần 219 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến trạm BOT của Tổng Công ty Sông Đà tại Hà Tĩnh, hiện công ty này đang sử dụng trạm thu phí cũ của Bộ GTVT tại cầu Rác để thu phí cho tuyến BOT tránh thành phố Hà Tĩnh.

Việc tận dụng trạm thu phí cũ của Bộ GTVT để thu phí đường tránh thành phố Hà Tĩnh đặt cách tuyến BOT này 30km, khiến các chủ phương tiện không sử dụng tuyến đường tránh vẫn đóng phí bức xúc phản đối. Tổng Công ty Sông Đà đã phải miễn thu phí cho các phương tiện của hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Văn Dũng