1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp xảy ra ở một số địa phương”

(Dân trí) - Tội phạm về xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã giảm hơn so với năm 2016. Tuy nhiên, tội phạm về môi trường, ma tuý lại tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma tuý, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp đã xảy ra ở một số địa phương.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Đó là một trong những nội dung được nêu trong văn bản của Bộ Tư pháp vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017.

Tội phạm tham nhũng giảm hơn so với năm 2016

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Các cơ quan công an tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực, tiếp nhận, xác minh và giải quyết tin báo tố giác tội phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phát hiện kịp thời, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân với nòng cốt là lực lượng công an, biên phòng, các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể so với năm 2016.

Qua theo dõi, tổng hợp cho thấy vi phạm pháp luật hình sự diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ngân hàng, thuế, hải quan, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm.

Trong đó tội phạm về xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã giảm hơn so với năm 2016. Tuy nhiên qua theo dõi cho thấy, tội phạm về môi trường, tội phạm về ma tuý lại tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho biết sự đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma tuý, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động đã xảy ra ở một số địa phương.

Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định nội dung tranh chấp, khiếu kiện trong năm 2017 diễn ra chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai: Việc thu hồi đất, khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tố cáo một số cán bộ, công chức sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai,…

Các khiếu kiện, tranh chấp còn liên quan đến vấn đề về chế độ, chính sách cho người có công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, các dự án BOT, về thuế, phí, lệ phí, chống tham nhũng…

“Đáng lưu ý, số vụ việc khiếu kiện về sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, khiếu nại về nhà ở tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao cấp có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện một số đoàn đông người đi khiếu kiện. Các vụ việc liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại cũng diễn biến khá phức tạp, bùng phát khiếu kiện đông người. Ví dụ như khiếu nại của các hộ dân mua căn hộ chung cư tại 8B Lê Trực (Hà Nội), tiểu thương chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (Thanh Hoá), chợ An Khánh (Đồng Nai), chợ Buô Ma Thuột (Đắk Lắk),…”- báo cáo nêu rõ.

Nhà nước phải bồi thường hàng chục tỷ đồng

Bộ Tư pháp đánh giá, năm 2017 hoạt động giải quyết bồi thường đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện nghiêm túc, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ và giải quyết đúng pháp luật.

Theo số liệu của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 111 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới (tăng 1 vụ việc so với năm 2016), đã giải quyết xong 42/111 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29,327 tỷ đồng, còn 69 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 32 vụ án dân sự (có 13 vụ án thụ lý mới) đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết bồi thường (hoạt động tố tụng hình sự có 16 vụ án, hoạt động thi hành án dân sự có 2 vụ án, hoạt động quản lý hành chính có 5 vụ). Trong đó, 8 vụ với tổng số tiền trên 803 triệu đồng đã giải quyết xong, còn 15 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, Nhà nước phải chi tiền bồi thường nhiều nhất.
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, Nhà nước phải chi tiền bồi thường nhiều nhất.

“Như vậy tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của toà án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là trên 30,1 tỷ đồng (giảm 23,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016)”- báo cáo cho hay.

Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ được thực hiện nghiêm túc với nhiều vụ việc hơn so với năm 2016. “Trong các lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì lĩnh vực tố tụng hình sự vẫn là lĩnh vực mà Nhà nước phải chi trả tiền bồi thường nhiều nhất, tuy nhiên số vụ việc phải hoàn trả lại ít nhất”- Bộ Tư pháp nhìn nhận.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, trong năm 2017, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện với 10 vụ việc, với tổng số tiền trên 166,4 triệu đồng. Cụ thể, việc hoàn trả được thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính (3 vụ việc với số tiền 35,2 triệu đồng), thi hành án dân sự (4 vụ việc với số tiền 28,5 triệu đồng) và tố tụng (2 vụ việc với số tiền trên 102,6 triệu đồng) - thấp hơn rất nhiều số tiền mà ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra bồi thường.

Thế Kha