1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

"Tắc" bài toán mỹ quan đô thị + kinh tế vỉa hè

(Dân trí) - Quận 1 - TPHCM đang đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, dẹp hàng rong trên vỉa hè để tạo mỹ quan cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, với hàng trăm hộ nghèo sống bám vỉa hè, những gánh hàng rong chính là “nồi cơm” của cả gia đình. Bởi thế, bài toán mỹ quan đô thị và kinh tế vỉa hè là bài toán khó mà mấy chục năm qua TPHCM vẫn chưa giải được.

"Bắt cóc bỏ đĩa"

Tình trạng người dân buôn bán, lấn chiếm vỉa hè khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn, làm xấu bộ mặt thành phố và góp phần làm mất trật tự giao thông.

Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, các quận trung tâm đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành vi buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, việc ra quân xử phạt chỉ là giải pháp tình thế, như “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi lực lượng chức năng rút đi, người dân lại tiếp tục ra vỉa hè buôn bán bởi đó là đường mưu sinh duy nhất của nhiều gia đình.

Đối với nhiều gia đình sống bám vào vỉa hè thì những gánh hàng rong chính là nồi cơm của gia đình họ
Đối với nhiều gia đình sống bám vào vỉa hè thì những gánh hàng rong chính là "nồi cơm" của gia đình họ

Theo báo cáo của UBND quận 1, trong quý 1/2016, quận đã ra quyết định xử phạt gần 3.300 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, chuyển biến vẫn chưa rõ rệt lắm.

Thực tế, hàng rong trên vỉa hè đã có từ rất lâu. Nhiều du khách nước ngoài cũng như dân thành phố xem hàng rong là một phần hồn phố Sài Gòn. Còn đối với nhiều người dân, nhất là người nghèo sống bám vào vỉa hè thì những gánh hàng rong chính là “nồi cơm” của cả gia đình họ. Bởi thế, bài toán mỹ quan đô thị và kinh tế vỉa hè là bài toán khó mà mấy chục năm qua TPHCM vẫn chưa giải được.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết: “Việc chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng, vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho thành phố đang được thực hiện rất quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Đương nhiên, để được như mong muốn của mình thì còn rất dài. Chính quyền địa phương rất mong sự tham gia của người dân để đạt kết quả tốt hơn”.

Tuy nhiên, bà Hường cũng khẳng định quận hiểu rất rõ mâu thuẫn ở đây, khi vỉa hè gắn với “nồi cơm” của rất nhiều hộ còn khó khăn. Bà nói: “Có những gia đình đã bán từ lâu rồi. Khi đến kiểm tra thì người ta rút, khi trật tự đô thị đi thì lại bày bán. Do hoàn cảnh họ tìm cách buôn bán và thực sự muốn bán”.

Không triệt kế sinh nhai của người nghèo!

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, để tạo bước đệm cho việc giải phóng vỉa hè mà không ảnh hướng quá lớn đến đời sống bộ phận dân cư này, quận 1 đã triển khai rà soát các trường hợp người dân thật sự khó khăn. Những hộ này thực tế có hộ khẩu trên địa bàn, có nhà trong hẻm hoặc ở chung cư, do nhu cầu mưu sinh mới ra vỉa hè buôn bán. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn quận 1 có 588 hộ gia đình thuộc diện này.

Quận đang tìm giải pháp bố trí các hộ có hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu buôn bán để tránh tình trạng dẹp xong lại tái lập. Theo UBND quận 1, hiện quận đang thí điểm 2 khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên bến Bạch Đằng.

Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh, quan điểm của quận 1 là chấn chỉnh trật tự vỉa hè nhưng đồng thời đảm bảo nhu cầu kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người dân
Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh, quan điểm của quận 1 là chấn chỉnh trật tự vỉa hè nhưng đồng thời đảm bảo nhu cầu kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người dân

Tại đây, người dân có thể bày bán thực phẩm trên lề đường, vỉa hè trong thời gian từ 6h – 8h và từ 11h – 13h hằng ngày. Người bán hàng sẽ được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ và yêu cầu chất lượng nguyên liệu thực phẩm dùng chế biến; phân loại rác tại nguồn; tập huấn về văn hóa ứng xử…

Tuy nhiên, khu vực thí điểm này mới chỉ giải quyết chỗ bán cho 60 hộ dân. Sau 1 tháng thí điểm, quận 1 sẽ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng mô hình này trên địa bàn để giải quyết hết nhu cầu buôn bán của cư dân khó khăn ở địa phương.

Bà Hường cho biết: “Nhằm ổn định cuộc sống cho những hộ dân này, bước đầu chúng tôi sẽ ưu tiên bố trí các khu vực thí điểm và những tuyến đường khác sau khi khảo sát. Đối với những hộ mặt tiền đường cũng nhưng người dân từ nơi khác tới sẽ không đưa vào danh sách”.

Về chiến dịch dẹp vỉa hè đang triển khai, bà Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh: “Quan điểm của quận là chấn chỉnh trật tự vỉa hè, lòng, lề đường nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhưng đồng thời cũng có giải pháp căn cơ để đảm bảo giải quyết nhu cầu kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người dân”.

Đây là giải pháp nhất quán của thành phố để hoạt động chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè được triển khai thành công một cách bền vững. Trước đó, tại cuộc họp báo định kỳ đầu tháng 3/2016, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, cũng đã nêu quan điểm của thành phố: “Vừa dẹp nhưng cũng vừa bố trí cho bà con buôn bán ở khu vực cho phép. Tuyến đường, khu phố nào làm được như vậy cũng là giải pháp giải quyết bài toán “chạy lòng vòng” khi bà con buôn bán trên đường phố!”.

Quốc Anh

"Tắc" bài toán mỹ quan đô thị + kinh tế vỉa hè - 3