1.000 tỷ lát đá hoa cương vỉa hè: Không dùng tiền ngân sách?

(Dân trí) - UBND quận 1 (TPHCM) vừa có kiến nghị xin đầu tư lát đá hoa cương (granit) tại vỉa hè 134 tuyến đường trên địa bàn với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Kiến nghị này đã vấp phải nhiều ý kiến phản ứng. Tiếp thu những ý kiến này, đại diện UBND quận 1 cho biết quận sẽ nghiên cứu lại loại đá để lót vỉa hè.

1.000 tỷ để lót vỉa hè là lãng phí

Theo kiến nghị của quận 1, chi phí lát vỉa hè bằng đá hoa cương sẽ cao hơn so với lát gạch thông thường từ 2 – 3 lần. Chính chi phí cao này khiến nhiều người dân và chuyên gia giao thông phản đối.

TS Phạm Sanh - chuyên gia nghiên cứu giao thông tại TPHCM - cho rằng: “Hiện nay quy hoạch sử dụng lòng, lề đường của thành phố chưa rõ, kể cả quận 1 cũng chưa có. Do đó, bây giờ đi làm vỉa hè bằng vật liệu kiên cố, đắt tiền mà lại làm đại trà thì rất nguy hiểm”.

Toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ được lát đá hoa cương, loại đá dự kiến sẽ được lát vỉa hè các tuyến đường trung tâm thành phố
Toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ được lát đá hoa cương, loại đá dự kiến sẽ được lát vỉa hè các tuyến đường trung tâm thành phố

Theo TS Phạm Sanh, trên thế giới người ta chỉ lát đá hoa cương ở những khu vực đặc biệt, khu du lịch, cần sang trọng, đắt tiền. Đó là chưa kể liên quan đến vấn đề an toàn, bảo trì, thoát nước… Về mặt kỹ thuật, dùng đá hoa cương để làm quảng trường chưa chắc đã mang lại sự an tâm vì trơn trợt, khó thoát nước.

“Thành phố chúng ta đang ngập, nếu dùng vật liệu cứng làm vỉa hè thì khả năng ngập tăng cao hơn. Tại sao không dùng vật liệu khác để hỗ trợ thoát nước tốt hơn?”, ông Sanh đặt vấn đề.

Ông cho rằng, quận 1 nên xem lại tuyến đường nào đã ổn định về quy hoạch, nghiên cứu kỹ về kỹ thuật, kinh tế, mỹ quan đô thị để thí điểm. Sau đó nhân rộng nhưng không nên làm 100% đá hoa cương.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TPHCM thì tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin này. Theo ông đầu tư cả ngàn tỷ để làm đẹp vỉa hè là phi lý vì thành phố còn rất nhiều công việc phải dùng ngân sách chứ không chỉ riêng vỉa hè.

TS Phạm Sanh cũng đồng tình: “Hiện nay thành phố còn rất nhiều vấn đề cần chi tiền là đường sá, trường học, bệnh viện. Ngay cả quận 1 còn vấn đề giải tỏa lòng lề đường, an ninh trật tự… chưa giải quyết được. Đó là chưa kể quận 1 xưa nay cũng "nổi tiếng" xới tung lòng lề đường làm hạ tầng…, rất phiền đến cuộc sống người dân”.

Là người dân thành phố, ông Trần Xuân Thái (ngụ quận 5, TPHCM) không phản đối kế hoạch làm mới vỉa hè của quận 1 vì việc làm này sẽ làm đẹp thêm cho thành phố. Tuy nhiên, ông có ý kiến là không chỉ lát vỉa hè của mấy trăm con đường trung tâm mà cần lát hết những vỉa hè đã xuống cấp và hư hại...

Tuy nhiên, ông Thái đề nghị, nên thay bằng một nguyên vật liệu rẻ tiền hơn nhưng vẫn bền, chắc, không cần phải là đá hoa cương. Như vậy vừa tiết kiệm ngân sách, vừa làm được nhiều tuyến đường hơn.

TS Phạm Sanh thì cho rằng: “Ai cũng muốn thành phố đẹp nhưng phải hài hòa với bức tranh tổng thể xã hội, mỹ thuật. Bỏ tiền ra làm thì phải làm như thế nào cho hiệu quả, đẹp mà tiết kiệm. Chỉnh trang đô thị cần sự đa dạng cảnh quan, bắt mắt”.

Nguồn kinh phí từ quảng cáo và nguồn thu vượt ngân sách?

Sáng 29/3, trao đổi cùng báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, 1.000 tỷ đồng không phải là tổng kinh phí đầu tư lát đá vỉa hè. Số tiền này do các doanh nghiệp đã gắn bó lâu năm trên địa bàn quận 1 cam kết đóng góp để thực hiện chương trình chỉnh trang lại toàn bộ vỉa hè.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường nói: “Kinh phí thực hiện cụ thể bao nhiêu quận sẽ có tính toán kỹ, tùy thuộc từng con đường, vị trí phải có đề án cụ thể. Thời gian thực hiện đến năm 2019, sau khi có ý kiến đồng ý chủ trương của UBND TP. Việc chỉnh trang đô thị quận không xin tiền ngân sách thành phố mà chỉ xin cơ chế để thu hút đầu tư”.


Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - khẳng định địa phương không lấy tiền ngân sách làm vỉa hè.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - khẳng định địa phương không lấy tiền ngân sách làm vỉa hè.

Theo bà Hương, ngân sách của quận tập trung chăm lo người nghèo, diện chính sách… chứ không đủ tiền ngân sách để làm vỉa hè. Quận sẽ trả kinh phí đã ứng từ doanh nghiệp trong thời gian từ 3 – 5 năm và không bị tính lãi. Tiền trả cho doanh nghiệp sẽ lấy từ nguồn thu vượt ngân sách mà thành phố để lại cho quận. Nguồn tiền thứ hai là tiền khai thác từ quảng cáo trên địa bàn.

Vị Phó Chủ tịch quận 1 cho biết: “Khi chỉnh trang đô thị đảm bảo khang trang, sạch đẹp và kết hợp với việc đặt logo quảng cáo đúng quy định để tạo nguồn thu”.

Kế hoạch của quận là trong năm 2016 tập trung làm 5 tuyến đường gồm Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Những tuyến đường này làm trước vì đây là khu vực du lịch nhưng đã xuống cấp, cần làm mới ngay để tạo mỹ quan đô thị. Còn 134 tuyến là kế hoạch chung và cần một kế hoạch tổng thể.

Bên cạnh các ý kiến chuyên gia, TS Phạm Sanh đề nghị thành phố nên mạnh dạn lấy ý kiến người dân đi trên những tuyến đường đã lát đá hoa cương như Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Ông khẳng định: “Họ sẽ phản ánh chính xác thực tế khi đi ban ngày, ban đêm, trời nắng, mùa mưa…".

Về vấn đề này, bà Thu Hường cho biết: “Việc thi công sẽ tiến hành nhanh, đồng bộ để hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Bên cạnh đó, quận sẽ tiếp thu sự góp ý của ngành chuyên môn về chất liệu, giá trị ra sao. Sẽ nghiên cứu lại loại đá sử dụng vỉa hè đẹp, rẻ, bền và đảm bảo an toàn”.

Quốc Anh - Tùng Nguyên

1.000 tỷ lát đá hoa cương vỉa hè: Không dùng tiền ngân sách? - 3