Sắp tháo dỡ cầu Bông - cây cầu lịch sử của Sài Gòn

(Dân trí) - Cầu Bông bắc qua rạch Thị Nghè là 1 trong những cây cầu đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định, nay là TPHCM. Cây cầu này mang đậm dấu ấn của vùng đất Sài Gòn, đã đi vào lịch sử và thơ ca như 1 địa danh nổi tiếng.

Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi chính xác là xây dựng vào năm 1771. Trong sách Thành phố bất khuất (NXB TPHCM in năm 1984), phần đầu tiên nói về khu Đất Hộ (Đakao), tác giả Nguyên Thanh ghi lại: “Nối liền 2 vùng Đakao và Bà Chiểu là cây cầu Bông nổi tiếng. Lúc mới xây cất năm 1771, cây cầu này mang tên cầu Cao Miên, vì do một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắt qua sông để tiện việc đi lại”.

Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nói đến nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng 1 vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn). Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.

Ban đầu cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định. Thế nên trong tập Cổ Gia Định vịnh có câu: “Cây Da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm cau mứt/ Cái cầu Cao Miên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai”. Tác giả Vương Hồng Sển trong tập sách Sài Gòn năm xưa cũng khẳng định vùng đất quanh cầu Bông xưa có khá nhiều người Miên (Khơme) cư ngụ và người dân từng đào gặp đồ đất nung đặt sắc của người Miên dùng tại đây.

Cầu Bông như 1 cổ tích nổi tiếng của đất Sài Gòn
Cầu Bông như 1 cổ tích nổi tiếng của đất Sài Gòn

Kể từ khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, cầu Bông lại nhiều lần đi vào lịch sử cùng với chiến tích đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ của người dân vùng đất Đakao. Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, cầu Bông là 1 trong những chiến lũy vững chắc để bao vây quân Pháp trong nội đô Sài Gòn, không cho mở rộng chúng chiếm lĩnh ra ngoại ô.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Bông là nơi diễn ra nhiều vụ biểu tình phản chiến của nhân dân vùng Đakao. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh du kích ác liệt giữa ta và địch.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, mấy cuộc binh đao, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí này. Bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền 2 vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn xưa kia. Trước 1975, cầu Bông là cây cầu trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định (đóng tại khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay).

Cầu Bông nối liền 2 vùng Đakao và Bà Chiểu
Cầu Bông nối liền 2 vùng Đakao và Bà Chiểu

Đến nay, khi TPHCM phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra tất cả các hướng thì cầu Bông không còn là con đường thông thương trọng yếu nhất nữa nhưng nó vẫn giữ một vai trò quan trọng nối liền trung tâm thành phố với các quận ngoại thành như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp…

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cầu Bông hiện nay đã có tuổi thọ trên 50 năm, đang xuống cấp trầm trọng, các mố trụ có tình trạng nứt vỡ ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu, tải trọng khai thác của cầu thấp hơn tải trọng khai thác đường (không đồng bộ) nên ảnh hưởng đến việc khai thác các tuyến đường. Do đó, thành phố đã chấp thuận cho xây mới cầu Bông ngay tại vị trí cũ.

Từ ngày 26/10, cầu Bông đã được đóng cửa, chờ tháo dỡ xây mới. Theo ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM (chủ đầu tư công trình xây mới cầu Bông) thì tối thiểu sau 7 ngày đóng cầu, đơn vị thi công sẽ bắt đầu tháo dỡ cầu cũ; tức là rơi vào khoảng ngày 2 – 3 tháng 11. Vậy là, không còn bao lâu nữa, cây cầu lịch sử của thành phố sẽ được tháo dỡ để xây dựng 1 cây cầu mới hơn, cao đẹp hơn.

Những hình ảnh cuối cùng của cầu Bông trước khi bị tháo dỡ:

Chỉ là 1 cây cầu ngắn, nhỏ nhưng cầu Bông lại là 1 địa danh nổi tiếng ở Sài Gòn
Chỉ là 1 cây cầu ngắn, nhỏ nhưng cầu Bông lại là 1 địa danh nổi tiếng ở Sài Gòn

Cái tên cầu Bông bắc qua rạch Thị Nghè tồn tại trên tuyến đường huyết mạch này hơn 200 năm nay
Cái tên cầu Bông bắc qua rạch Thị Nghè tồn tại trên tuyến đường huyết mạch này hơn 200 năm nay

Cầu đã đóng, máy móc đang được tập kết trên cầu, chuẩn bị tháo dỡ
Cầu đã đóng, máy móc đang được tập kết trên cầu, chuẩn bị tháo dỡ

Người dân TP lưu luyến cây cầu lịch sử.
Người dân TP lưu luyến cây cầu lịch sử.

Tùng Nguyên – Đình Thảo