1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Đinh La Thăng từng hợp thức hóa tài liệu đối phó với cơ quan điều tra

(Dân trí) - Khi vụ việc góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Oceanbak bị mất trắng mà không thông qua HĐQT của PVN bị phơi bày, ông Đinh La Thăng đang là Bí thư Thành uỷ TPHCM đã gọi điện nhờ nhiều người ở PVN xin chữ kí để hợp thức hoá tài liệu, đối phó với cơ quan điều tra.

Ông Đinh La Thăng đối phó với cơ quan điều tra như nào?

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng né tránh trách nhiệm, hợp thức hoá tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.

Ông Đinh La Thăng đã hợp thức hoá tài liệu đối phó với cơ quan điều tra.
Ông Đinh La Thăng đã hợp thức hoá tài liệu đối phó với cơ quan điều tra.

Cụ thể, khi vụ việc kí thoả thuận góp vốn 800 tỷ đồng giữa ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PVN và Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị phanh phui, thời điểm đó ông Thăng đang làm Bí thư Thành ủy TPHCM đã gọi điện nhờ một số người là cán bộ PVN xác nhận ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất chủ trương với HĐQT để PVN góp vốn vào Oceanbank.

Ông Đinh La Thăng cũng đã sử dụng giấy xác nhận thể hiện vào tháng 3/2008, ông đã bàn bạc với nhiều người trong HĐQT trước khi kí thoả thuận với Oceanbak. Giấy xác nhận này được ông Thăng cung cấp cho cơ quan điều tra nhưng sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8/12 vừa qua, ông Thăng đã xin thay đổi lời khai và thừa nhận sự việc trên.

Cơ quan điều tra làm rõ, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN kí thoả thuận góp 800 tỷ đồng vốn điều lệ vào Ngân hàng Oceanbank. Mặc dù được báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank cũng như các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của Bộ Tài chính về việc rà soát các dự án trọng điểm dầu khí, cân đối nguồn vốn; báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Oceanbank; xác định giá trị thực cổ phiếu để tránh rủi ro trước khi thực hiện góp vốn… nhưng ông Đinh La Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và Ban Điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank, phương án góp vốn, tính hiệu quả khả thi.


Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.

Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.

Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà là ký thoả thuận thống nhất với Hà Văn Thắm việc góp vốn vào Oceanbank, cũng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Sau khi ký thoả thuận góp vốn, ông Đinh La Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn vào Oceanbank cũng chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ của Oceanbank; được HĐTV và thư ký báo cáo việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng không chỉ đạo điều hành hoặc thoái vốn.

Cũng theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng khoản góp vốn của PVN tại Oceanbank.

Cuộc gặp gỡ giữa Đinh La Thăng – Hà Văn Thắm sau cuộc điện thoại

Theo tài liệu, năm 2006, Thủ tướng phê duyệt cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) được thành lập mới với một ngân hàng Cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị ngân hàng Hồng Việt.

Tuy nhiên, năm 2008, thực hiện chủ trương của Thủ tướng về kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần tại Ngân hàng TMPC Đại Dương (Oceanbank) do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT.

Để thực hiện chủ trương góp vốn vào Oceanbank, ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng Giám đốc PVN đã có báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Ngân hàng Oceanbank trong đó nêu rõ: Oceanbank là ngân hàng có quy mô hoạt động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp.

Hà Văn Thắm - Nguyễn Xuân Sơn hầu toà trong đại án kinh tế Oceanbank.
Hà Văn Thắm - Nguyễn Xuân Sơn hầu toà trong đại án kinh tế Oceanbank.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận báo cáo trên, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã không tổ chức họp HĐQT để có chỉ đạo đánh giá lại tình hình hoạt động, năng lực của Oceanbank, phương án góp vốn, tính hiệu quả khả thi của việc góp vốn. Cùng ngày ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT của Oceanbank đã kí thoả thuận, cam kết PVN góp 20% vốn điều lệ tại Oceanbank.

Tại cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm khai rằng: ngày 17/9/2008, Thắm nhận được điện thoại của Nguyễn Xuân Sơn khi đó là Trưởng Ban trù bị của Ngân hàng Hồng Việt thuộc PVN trao đổi việc PVN muốn tham gia góp vốn vào Oceanbank vì lí do Ngân hàng Hồng Việt không được phép thành lập.

Sau đó, Hà Văn Thắm đến trụ sở PVN gặp ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Mạnh Hà (cả 3 ông này khi đó đang nằm trong Ban trù bị của Ngân hàng Hồng Việt), để trao đổi thống nhất việc PVN góp vốn vào Oceanbank.

Tại cuộc gặp này, hai bên đã thống nhất PVN tham gia góp 400 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ trong đợt tăng vốn điều lệ của Oceanbank từ 1000 tỷ đồng lên 2000 tỷ đồng và PVN sẽ hỗ trợ về tài chính, vốn, đồng thời khuyến khích các đơn vị thành viên sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng do Oceanbank cung cấp.

Thời gian sau, Oceanbank tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 2000 tỷ đồng lên 5000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Và để đảm bảo duy trì việc nắm giữ 20% vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank, PVN phải tiếp tục góp vốn bổ sung, tổng cộng là 800 tỷ đồng.

Sau này, PVN đã mất trắng toàn bộ số tiền này, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản Nhà nước và của PVN.

Cũng tại cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm khẳng định, trước khi kí thoả thuận này, PVN chưa tiếp xúc Oceanbank để tổ chức khảo sát, thẩm định tình hình hoạt động của Oceanbank.

Cơ quan điều tra xác định ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm khác đã phạm vào tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lí gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuấn Hợp