“Những năm tháng không quên” qua tranh của họa sĩ thời chiến
(Dân trí) - Những góc nhìn chân thật về chiến tranh, những ký ức hào hùng của dân tộc, sự hy sinh, mất mát qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc được tái hiện sinh động qua 48 tác phẩm ở triển lãm “Những năm tháng không quên” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Bên cạnh một số tác phẩm điêu khắc, đáng chú ý là hàng chục bức tranh của các hoạ sĩ, nghệ sĩ trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Bộ sưu tập các tác phẩm giới thiệu trong triển lãm lần này được thực hiện bởi các hoạ sĩ, nghệ sĩ từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương như Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ, Quang Phòng, đến những họa sĩ thuộc thế hệ sau như Hà Xuân Phong, Đỗ Sơn, Lê Trí Dũng, Lê Duy Ứng… Đó là các hoạ sĩ, nghệ sĩ đã tham gia kháng chiến hay trực tiếp chiến đấu, trong đó có những người đã mãi nằm lại, hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường.
Các tác phẩm mang đến cho người xem sự cảm nhận sâu sắc về những năm tháng lịch sử hào hùng đã qua, để thêm trân trọng và biết ơn những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.
Tác phẩm tranh sơn dầu "Hà Nội cuối năm 1972" của hoạ sĩ Phạm Việt tái hiện lại bối cảnh thủ đô Hà Nội những ngày bị ném bom ác liệt. Tranh gây nhiều xúc động cho người xem bởi hình ảnh Hà Nội 45 năm trước vẫn còn in đậm trong ký ức, nay được gợi lại mạnh mẽ khi xem tác phẩm.
Tác phẩm "Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân" của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, lớp lớp các thế hệ hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến và trực tiếp chiến đấu, trong đó có những người đã anh dũng hy sinh, có những người để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Bằng tài năng và cây bút, những chiến sỹ đã miệt mài sáng tác và để lại những tác phẩm giàu giá trị.
Phố cổ Hà Nội trong tác phẩm sơn mài "Thủ đô kháng chiến" của hoạ sĩ Nguyễn Quang Phòng.
Tác phẩm "Đánh chiếm Hóc Môn" của họa sĩ Lê Vinh.
Triển lãm “Những năm tháng không quên” khai mạc vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, là hoạt động văn hóa nhiều ý nghĩa, nghĩa cử cao đẹp dành tri ân những người có công với đất nước.
Tranh sơn mài "Để bảo vệ xóm làng" của hoạ sĩ Trần Đình Thọ khắc hoạ các nữ du kích tham gia chiến đấu bảo vệ làng quê trước kẻ thù.
Bằng bút pháp hiện thực, đôi lúc phóng khoáng, với cái nhìn bao quát và sự linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ tạo hình, các họa sĩ đã khắc họa cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, tái hiện những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến tranh ác liệt nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hy vọng.
"Bốc hàng bên suối" – tác phẩm sơn dầu của hoạ sĩ Trần Trung Tín cho thấy cảnh sinh hoạt, chiến đấu trong rừng Trường Sơn những năm chống Mỹ.
Bên cạnh những khoảnh khắc bom đạn, nhiều tác phẩm thể hiện những khoảng lặng sau cuộc chiến, điển hình như tác phẩm sơn dâu "Trên bãi tập" của hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Tốt.
"Căm thù" – tranh sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
Tranh sơn dầu "Tấm lòng người mẹ" của hoạ sĩ Đỗ Sơn mang đến cho người xem sự cảm nhận sâu sắc về những hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.
Hữu Nghị - Quý Đoàn