1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những loài động thực vật cực "độc" ở khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa liên tiếp phát hiện nhiều loài động thực vật quý hiếm xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa); trong đó có loài đã tuyệt chủng 85 năm trước, có loài chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam và trên thế giới.

Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), được thành lập năm 2000, có diện tích 23.815,5 ha, trong đó có gần 4.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật cổ quý hiếm hàng ngàn năm tuổi cần được bảo vệ, bảo tồn để phát triển nguồn gen (điển hình có 2 quần thể loài cây Pơ mu và Sa mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam). Khu bảo tồn này hiện có 1.142 loài thực vật bậc cao, 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới; động vật có 1.631 loài, trong đó có 27 loài thuộc danh lục quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt… Đặc biệt từ năm 2012 – 2015, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài thực vật mới và động vật từng tuyệt chủng trên thế giới.

Mang lớn xuất hiện sau 85 năm tuyệt chủng

Năm 2014 một phát hiện cực kỳ quan trọng được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Cress (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với KBT thiên nhiên Xuân Liên công bố, đó là việc xác định được quần thể Mang lớn thuộc họ hươu nai được coi đã tuyệt chủng cách đây 85 năm, nay bỗng xuất hiện tại KBT này.

Theo ông Đỗ Ngọc Dương, Phó giám đốc KBT thiên nhiên Xuân Liên, từ năm 2012 - 2014 Trung tâm Cress đã phối hợp với cán bộ KBT thực hiện dự án “Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng tại KBT”. Trong quá trình điều tra, các nhà khoa học đã đặt bẫy ảnh tại một số khu vực có dấu móng, guốc của loài hươu nai thường xuất hiện, qua đó đã chụp được ảnh của loài Mang lớn (còn gọi là Mang Lào, Mang Pù Hoạt), có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum trên địa bàn KBT. Từ đó các nhà khoa học phát hiện được mẫu phân trong rừng, tìm thấy mẫu sừng và da của loài Mang này trong nhà dân săn bắn được.

Loài Mang lớn từng tuyệt chủng 85 năm trước trên thế giới, có tới 30 cá thể ở KBT thiên nhiên Xuân Liên
Loài Mang lớn từng tuyệt chủng 85 năm trước trên thế giới, có tới 30 cá thể ở KBT thiên nhiên Xuân Liên

“Từ những hiện vật quan trọng trên, qua xét nghiệm ADN tại Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) từ mẫu phân và mẫu da của loài Mang này rồi đem so sánh với mẫu ADN của loài Mang được coi là đã tuyệt chủng cách đây 85 năm đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, các nhà khoa học xác định mẫu ADN hoàn toàn trùng khớp với nhau và khẳng định đây chính là loài Mang Muntiacus rooseveltorum được coi là đã tuyệt chủng cách đây 85 năm, nay đã xuất hiện trở lại” – ông Dương vui mừng kể lại.

Cũng theo ông Dương, qua một thời gian dài theo dõi các nhà khoa học cho biết tại KBT hiện chỉ còn khoảng 30 cá thể Mang lớn. “Việc xác định được số lượng cá thể Mang này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, nhân giống, lưu trữ nguồn gen của loài Mang quý hiếm từng được coi tuyệt chủng này. Vì đây là một trong những loài thú ít được biết đến nhất trên thế giới, cho đến nay thông tin về loài này chỉ được ghi nhận từ năm 1929 trong chuyến khảo sát của các nhà thám hiểm Mỹ ở tỉnh Hủa Phăn (Lào). Sau này, các nhà khoa học cũng đã lấy nhiều mẫu về loài Mang này đưa đi xét nghiệm, nhưng mẫu không đầy đủ, kết quả rõ ràng. Chính vì thế, việc ghi nhận có tới 30 cá thể mang qua ảnh, mẫu sọ, da, lông và phân của loài Mang này là phát hiện mới đầy đủ nhất và duy nhất về các cá thể sống của loài động vật này tại KBT thiên nhiên Xuân Liên” – ông Dương khẳng định.

Thêm thực vật mới cho thế giới

Không chỉ phát hiện loài Mang đã từng tuyệt chủng 85 năm về trước, qua quá trình điều tra, khảo sát, các nhà khoa học còn phát hiện thêm nhiều loài thực vật chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam và trên thế giới góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ nguồn gen, bổ sung tính đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Loài thực vật chưa từng được ghi nhận trên thế giới có tên khoa học là Aristolochia xuanlienensis thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae), được đặt tên theo địa điểm thu mẫu tại KBT thiên nhiên Xuân Liên và một loài thuộc chi Giác đế - họ Na (hiện loài này đang phân tích mẫu AND). Ông Đỗ Ngọc Dương chia sẻ, trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật Việt Nam (Viện Hàn lâm Việt Nam) phát hiện loài thực vật Aristolochia xuanlienensis có nhiều đặc điểm hình thái sai khác so với các loài thực vật đã từng được chứng kiến.

Loài cây Aristolochia xuanlienensis, loài cây mới của thế giới
Loài cây Aristolochia xuanlienensis, loài cây mới của thế giới

“Nghi ngờ là loài mới, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với chuyên gia người Trung Quốc tiến hành phân tích, so sánh mẫu lá, hoa, quả, hạt của loài này thì nhận thấy có sự sai khác về đặc điểm hình dạng, kích thước với các loài thực vật từng được ghi nhận trên thế giới. Hiện các mẫu chuẩn của loài này được lưu giữ tại Phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam (kèm theo mẫu cho nghiên cứu sinh học phân tử). Ngoài ra bản thảo của loài này cũng đã được gửi đến Tạp chí chuyên ngành Phytotaxa” – ông Dương nói.

Ngoài việc phát hiện 2 loài mới chưa được ghi nhận trên thế giới, các nhà khoa học còn phát hiện thêm 3 loài thực vật mới chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam gồm Lữ đằng đứng (tên khoa học là Lindernia megaphylla P.C), Thủy thảo trắng (Kailarsenia lineata R.Br) và Song quả lá bắc tím (Didymocarpus pupureobracteatus Smith).

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc KBT thiên nhiên Xuân Liên, cho biết do KBT tiếp giáp với KBT thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) có diện tích 90.000 ha và KBT thiên nhiên Nậm Xam (tỉnh Hủa Phăn – Lào) rộng 74.000 ha, đã tạo ra một tam giác khu động, thực vật rộng lớn trên 160.000 ha giúp cho hệ động, thực vật tại KBT thiên nhiên Xuân Liên phát triển phong phú, đa dạng. “Trong quá trình nghiên cứu tại đây, PGS-TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Việt Nam) đánh giá KBT thiên nhiên Xuân Liên là một trong những khu bảo tồn (rừng đặc dụng) có giá trị đa dạng sinh học cao, chính vì thế song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu để có các giải pháp bảo tồn phù hợp, trong đó chú trọng tới việc nghiên cứu các loài đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp” – ông Hải cho hay.

Cây Sa mu dầu trên 1.000 năm tuổi tại KBT
Cây Sa mu dầu trên 1.000 năm tuổi tại KBT

Để bảo vệ, quán lý tốt hệ sinh thái rừng tại KBT đặc biệt này, ngoài công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng, KBT thiên nhiên Xuân Liên hiện đang phối hợp với ngành văn hóa đẩy mạnh quảng bá du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Bởi theo ông Hải, KBT thiên nhiên Xuân Liên có lợi thế rất lớn khi tiếp giáp với KBT thiên nhiên Pù Hoạt và Nậm Xam (nước bạn Lào), có đập thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt lớn nhất nhì miền Bắc, có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái và Mường đang còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng, độc đáo.

Tại KBT thiên nhiên Xuân Liên hiện còn lưu giữ 2 quần thể cây Pơ mu và Sa mu có niên đại trên 1.000 năm tuổi, đây là hai cây gỗ thuộc nhóm IIA (nhóm quý hiếm). Trong đó, cây Pơ mu có đường kính 2,7 m, cao dưới cành 35 m; còn cây Sa mu có đường kính 3,9 m, cao trên 45 m. Ông Đỗ Ngọc Dương cho biết 2 cây này được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2013 và đây nơi duy nhất ở Thanh Hóa còn rừng nguyên sinh phân bố 2 loài cây hạt trần này trên độ cao 800 m so với mực nước biển. “Chúng được phân bố ở nhiều tiểu khu khác nhau của KBT với mật độ trung bình 58 cây pơ mu/ha, 12 cây sa mu/ha. Hiện nơi tập trung nhiều 2 loài cây này nhất là tại tiểu khu 484, 489 thuộc bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Hiện 2 cây được các nhà khoa học căn cứ làm mẫu chuẩn để lưu giữ nguồn gen và phục vụ nghiên cứu” – ông Dương chia sẻ.

Nguyễn Thùy