1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Nhiều cán bộ công chức bán "hàng xách tay" không rõ nguồn gốc

(Dân trí) - Các đại biểu HĐND nêu rõ, tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng dưới mác “hàng xách tay” tại Nghệ An diễn ra phổ biến và khó kiểm soát. Việc bán hàng qua mạng có sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức nhà nước.

Các đại biểu kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII tại phiên thảo luận tổ
Các đại biểu kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII tại phiên thảo luận tổ

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã triệt xóa một số đường dây, ổ nhóm lớn vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, trong năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý 145 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị thu phạt gần 1,3 tỷ đồng.

Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, nước giải khát, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp… Không chỉ xảy ra ở miền xuôi, các đô thị, thành phố mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã “đổ bộ” lên miền núi, nơi người dân không có nhiều thông tin về hàng hóa.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùng: Công chức cũng tham gia bán hàng xách tay trên mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng: Công chức cũng tham gia bán hàng xách tay trên mạng xã hội

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất không chỉ khiến cơ quan chức năng đau đầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe người dân. Bởi vậy việc quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này cũng được các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An rất quan tâm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, khi tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên “nóng” hơn.

Đại biểu Phan Thị Hoan (huyện Nghĩa Đàn) cho biết: “Trên địa bàn TP Vinh xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển “hàng xách tay” với chủng loại hàng hóa rất đa dạng, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di dộng… Các sản phẩm dưới mác “hàng xách tay” được bán với giá cả rất cao, từ hàng trăm, hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì nhân viên bán hàng trả lời là hàng xách tay, từ nhiều nước khác nhau còn cụ thể thế nào người tiêu dùng cũng không thể nắm được”.

Chi cục quản lý thị trường Nghệ An tiểu hủy lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (ảnh Hoàng Thái)
Chi cục quản lý thị trường Nghệ An tiểu hủy lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (ảnh Hoàng Thái)

“Lâu nay trên các trang mạng, Facebook cá nhân, mỗi công chức chúng ta đi làm vẫn sẵn sàng bán "hàng xách tay", mỗi cán bộ, thậm chí học sinh, sinh viên cũng bán "hàng xách tay". Mặc dù không có cái gì ở trong nhà nhưng cứ thông qua mạng xã hội thông báo ngày mai là có hàng. Khi lên mạng thì long lanh còn khi mua về nhà thì không thể dùng được, tình trạng này rất nhiều”, đại biểu Nguyễn Đình Hùng (huyện Con Cuông) nêu thực trạng.

Chất lượng, xuất xứ các sản phẩm dưới mác “hàng xách tay” chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra. Phần lớn các thông số sản phẩm được thông tin tới khách hàng thông qua quảng cáo của người bán. Bởi vậy, các đại biểu đều cho rằng ngành công thương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thông qua mạng xã hội để không gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hoàng Lam