1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người lính cận vệ già và ký ức không thể quên về Bác ở ATK

(Dân trí) - Ông Mông Đức Ngô kể công tác bảo vệ Bác thời đó rất khó khăn, phiên hiệu không có, quân phục không thống nhất, thường là ai có gì mặc nấy, cũng chưa có điều lệnh quy định. Tất cả dựa vào nhiệt huyết và sự quyết tâm bảo vệ Bác bằng mọi giá.

Lưu giữ nhiều kỷ vật về Bác

Trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình sau dãy núi ở xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá, Thái Nguyên, người lính từng giữ trọng trách bảo vệ cho Bác Hồ suốt những năm sống và làm việc ở Thủ đô kháng chiến ATK, năm nay đã ở tuổi gần 90, mái tóc bạc trắng, nở nụ cười tươi mở đầu câu chuyện: “Đã 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về Bác tôi vẫn nhớ như in, những lời dạy của Bác tôi vẫn giữ trong tim mình…”.

Người cận vệ già của Bác Hồ năm nào.
Người cận vệ già của Bác Hồ năm nào.

Nói rồi ông bước đến bên chiếc tủ kính, lấy tập báo cũ và những tấm ảnh chụp cùng Bác và những chiến sỹ cảnh vệ ở đồi Khau Tý cho chúng tôi xem. Lật giở từng trang hồi ký, mắt ông Ngô nhìn về phía xa xăm như hồi tưởng về những tháng ngày không thể nào quên.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, khi mới 15 tuổi, ông Ngô đã cùng với du kích địa phương tham gia bảo vệ quê hương. Năm 1945, khi 16 tuổi, ông được chọn làm Tiểu đội trưởng tiểu đội du kích xã Vị Trung (nay là xã Phượng Tiến) cùng với lực lượng Cứu Quốc quân và nhân dân huyện Định Hóa tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông được biên chế về Đại đội 413, Trung đoàn 246 đóng quân ngay tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ chiến khu Việt Bắc và Định Hóa.

Tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến về đồi Khau Tý, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng một số chiến sỹ được tuyển chọn để thành lập Đại đội 32 làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác ngay tại căn cứ địa cách mạng.

Chính vì vậy, suốt từ năm 1947 đến cuối năm 1953, ông Ngô cùng với cùng với Đại đội 32 đã theo chân Bác qua nhiều địa điểm từ Khau Tý (Điềm Mặc), Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo (Phú Đình)... đến Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang).

Một trong những kỷ vật thiêng liêng được ông giữ gìn chính là bức ảnh ông chụp chung với Bác Hồ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Ngọc Mậu và 43 cán bộ, chiến sĩ đều là thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Định Hóa và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.


Nhân dịp ngày sinh nhật Bác, ông Mông Đức Ngô thắp nén nhang thơm tưởng nhớ vị Cha già Dân tộc.

Nhân dịp ngày sinh nhật Bác, ông Mông Đức Ngô thắp nén nhang thơm tưởng nhớ vị Cha già Dân tộc.

Ông Ngô kể công tác bảo vệ Bác thời gian đó rất khó khăn, phiên hiệu không có, quân phục không thống nhất, ai có gì mặc nấy, cũng chưa có điều lệnh quy định. Tất cả chỉ dựa vào nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành bảo vệ an toàn cho Bác bằng mọi giá.

Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá cọ gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nạ Tra.

Ấn tượng về sự dung dị đến lạ thường của Bác

Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan rất khéo. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những vật dụng Bác thường dùng để cải trang khi đi công tác. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, Bác vẫn cùng các đồng chí cảnh vệ trồng rau, nuôi gà, phát nương và hướng dẫn đồng bào tăng gia sản xuất để chống đói.

Bác thường bảo: “Trồng rau vừa để cải thiện bữa ăn, vừa có màu xanh no ấm, nếu chuyển đi thì người sau đến ở sẽ có rau mà ăn. Thực có túc thì binh mới cường”.

Một hôm, ông cùng đồng đội đang tăng gia ở bãi đất giáp suối Nà Lọm thì Bác đến. Lúc ấy, có người đang làm cật lực, một số thì mải chuyện. Thấy vậy Bác nhẹ nhàng nói: “Các chú ạ, một người làm cật lực không bằng 7 người làm khoan khoan; một giờ làm hăng say bằng cả ngày làm chiếu lệ. Phải làm việc tích cực thì mới mong sớm có kết quả”. Sau lời nhắc đó của Bác, tất cả các chiến sỹ đều nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, quên đi mọi mệt mỏi.

"Nhiệm vụ của tiểu đội chúng tôi là bảo vệ Bác nên anh em thường phân công cụ thể: ai đi dắt ngựa, con số mấy, ai đi tiền trạm… Nguyên tắc ra vào trong căn cứ địa ATK thì phải có thẻ. Người dân địa phương ở đây đều có ý thức bảo vệ cán bộ cách mạng và căn cứ địa nên chỉ cần có người lạ bén mảng đến là chúng tôi biết ngay", ông Ngô kể.

Trong suốt những năm tháng được làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác, điều mà người cảnh vệ Mông Đức Ngô nhớ nhất về Bác đó là sự dung dị đến lạ thường. “Không có bất cứ sự xa cách nào giữa Bác và mọi người. Gặp ai, dù ở cương vị nào, Bác cũng quan tâm, hỏi han tận tình…”, ông Ngô nói.

Người cận vệ già cùng đứa cháu ôn lại những kỉ vật của ông một thời bên Bác.
Người cận vệ già cùng đứa cháu ôn lại những kỉ vật của ông một thời bên Bác.

Cuối năm 1953, cả nước tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Ngô được điều động lên đây làm Trung đội trưởng Trung đội thông tin phục vụ trực tiếp tại Sở chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng. Do có năng lực và kinh nghiệm chiến trường, lại là người Tày chính gốc nên ông được Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao cho nhiệm vụ đặc biệt: Trực tiếp truyền mệnh lệnh của Đại tướng bằng tiếng Tày xuống chỉ huy các đơn vị trên toàn mặt trận.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, ông Ngô vinh dự cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Năm 1958, ông xuất ngũ trở về địa phương sống cuộc đời bình dị với người thân cho đến bây giờ.

Với những thành tích đóng góp trong suốt 15 năm tham gia hoạt động cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng hai; Huân chương Chiến thắng hạng ba; Huân chương Kháng chiến hạng hai; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang…

Gần một thế kỷ trôi qua, mọi dấu vết thời gian dường đã như hiện rõ trên khuôn mặt người chiến sỹ cảnh vệ năm xưa nhưng đôi mắt ông vẫn rực sáng, giọng ông vẫn sang sảng khi nhắc đến những năm tháng đầy hào hùng, tự hào khi được cùng đồng đội tham gia bảo vệ sự an toàn cho Bác tại ATK.

Trước khi chia tay với chúng tôi, ông vẫn cầm cả xấp hình về Bác với đôi mắt rưng rưng, giọng nghẹn đi vì xúc động: “Ngày Bác lên đó đến cả đôi dép cũng không có mà đi. Giờ là thời bình, cuộc sống ai cũng no đủ, chỉ tiếc rằng Bác không còn nữa…”.

Tuấn Hợp - Ngọc Liên