1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người phát hiện ra quặng apatit và bức ảnh chụp với Bác Hồ

(Dân trí) - Theo lịch sử cách mạng tỉnh Lào Cai, cách đây gần 60 năm, trong dịp lên thăm tỉnh biên giới Lào Cai, ngày 23/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Chính phủ đã tới vùng mỏ apatit Cam Đường động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm khai thác quặng phục vụ công nghiệp chế biến phân bón vô cơ, góp phần tăng năng suất cây trồng các tỉnh miền Bắc trong những năm hòa bình sau kháng chiến chống thực dân Pháp.


Bác Hồ và cụ Nỏ.

Bác Hồ và cụ Nỏ.

Sau khi vào tận khai trường mỏ Cóc kiểm tra khai thác quặng apatit, Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ có cuộc gặp gỡ và nói chuyện thân thiết với cán bộ, công nhân viên, nhân dân các dân tộc địa phương cùng chuyên gia Liên Xô sang giúp ta khôi phục khai thác mỏ apatit.

Bác Hồ biểu dương thành tích đáng tự hào của cán bộ, công nhân vùng mỏ apatit Cam Đường đạt được trong những năm đầu mở lại mỏ. Bác trao cho ông Nguyễn Văn Lang, Giám đốc mỏ apatit Cam Đường 5 chiếc Huy hiệu mang tên Người để làm phần thưởng cho những công nhân đạt thành tích xuất sắc trong khai thác, vận chuyển quặng apatit.

Trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, Hồ Chủ tịch đã vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng với cụ Trần Văn Nỏ (người dân tộc Tày ở xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), là người đầu tiên có công phát hiện ra quặng apatit Cam Đường.

Cụ Trần Văn Nỏ cảm động rơm rớm nước mắt nói không lên lời vì quá bất ngờ trước tình cảm đặc biệt Bác Hồ dành cho mình. Thay mặt bà con dân bản vùng mỏ apatit Cam Đường, cụ Nỏ đã trân trọng kính tặng Bác Hồ tấm khăn thổ cẩm do phụ nữ dân tộc địa phương thêu dệt.


Cụ Trần Văn Nỏ cảm động rơm rớm nước mắt nói không lên lời vì quá bất ngờ trước tình cảm đặc biệt Bác Hồ dành cho mình.

Cụ Trần Văn Nỏ cảm động rơm rớm nước mắt nói không lên lời vì quá bất ngờ trước tình cảm đặc biệt Bác Hồ dành cho mình.

Theo lịch sử vùng mỏ apatit Cam Đường, đầu năm 1924, trong một lần đi rừng, anh thanh niên dân tộc Tày Trần Văn Nỏ đã lấy mấy viên đá kê làm bếp nướng củ mài thì bất ngờ phát hiện ngọn lửa xanh lét khác thường. Khi đó vì quá sợ hãi, cho rằng "có ma ám", người thanh niên ấy đã bỏ chạy thục mạng ra khỏi rừng.

Sự việc lạ đó được anh Nỏ báo cho lý trưởng, từ đây tin được trình báo lên quan Tây. Sau đó ít năm, các nhà địa chất Pháp đã tới khảo sát những "hòn đá lạ" kể trên ở Cam Đường và cho biết ngọn lửa xanh lét khác thường anh Nỏ nhìn thấy năm nào chính là do quặng apatit tạo ra.

Dưới thời thuộc địa Pháp quản lý, mỏ apatit Cam Đường (tỉnh Lào Cai) được khai thác, tiêu thụ với công suất hàng vạn tấn/năm và vùng mỏ này chính thức được khôi phục sản xuất từ năm 1955 với sự giúp đỡ của Liên Xô.

Sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, vùng mỏ apatit Cam Đường lại tiếp tục hồi sinh và vùng "Vàng nâu" này lại càng phát triển mạnh mẽ hơn sau năm 1991, khi tỉnh biên giới Lào Cai được tái lập.

Năm 1959, mỏ apatit Cam Đường vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích khai thác nhiều quặng apatit. Năm 2009, Công ty TNHHMTV apatit Việt Nam được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Ngày 23/9/1958 - ngày Hồ Chủ Tịch về thăm vùng mỏ - được lấy làm Ngày truyền thống của công nhân mỏ apatit Việt Nam.

Phạm Ngọc Triển