Thanh Hóa:
Người cuối cùng trồng dưa hấu trên “đảo Mai An Tiêm”
(Dân trí) - Nga Sơn từng được biết đến là thủ phủ dưa hấu, gắn liền với truyền thuyết Mai An Tiêm ở đảo hoang. Tiếc rằng nơi đây hiện chỉ còn một người trồng và giữ gìn giống dưa hấu nổi tiếng này.
Vùng đất dưa hấu xưa
Theo truyền thuyết, vùng đất ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) xưa kia là một biển nước ngập mênh mông, có hòn đảo hoang. Mai An Tiêm chính là người đã có công khai phá hòn đảo hoang này. Ngày nay đảo hoang chính là vùng đất thuộc hai xã là Nga Phú và Nga An của huyện Nga Sơn.
Khoảng 30 - 40 năm trước, xã Nga Phú và Nga An là hai nơi trồng và chuyên canh cây dưa hấu nhiều nhất ở đất Nga Sơn. Ngoài lúa thì dưa hấu được coi là cây trồng chính đem lại nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Vùng dưa hấu ở đây trải dài và rộng khắp, có thời điểm được coi là nhiều nhất cả nước.
Theo như lời kể của các cụ cao niên trong vùng, xưa kia hầu như gia đình nào cũng trồng dưa hấu. Cứ đến mùa, thương lái từ các vùng khác lại đến thu mua tấp nập. Dưa hấu của Nga Sơn có vị ngon, ngọt hơn so với các loại dưa ở nơi khác. Sở dĩ có vị khác biệt này là do đất trồng dưa ở đây là đất cát pha. Trên loại đất này cây dưa hấu phát triển tốt, quả dưa to, lượng nước và lượng đường vừa đủ, làm cho dưa thơm ngon.
Chỉ tay về cánh đồng mẫu lớn của xã Nga An, ông Hoàng Văn Huê (67 tuổi) xóm 8 nói: “Cả một vùng rộng lớn này hơn 30 năm trước đều trồng toàn là dưa hấu. Nay người dân trồng ngô, lạc, đậu tương hết rồi, không còn gia đình nào trồng dưa hấu cả”.
Lí do khiến người dân nơi đây "lạnh nhạt" với cây dưa hấu được ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch kinh tế xã Nga An, lý giải: “Sau khi chuyển đổi đưa một số loại cây công nghiệp ngắn ngày khác vào thâm canh sản xuất cho năng suất cao. Cây dưa hấu đã không cạnh tranh được với các loại cây này nên người dân đã không chọn để trồng. Cũng một phần do trên thị trường có nhiều loại dưa hấu khác cạnh tranh làm cho giá cả giảm xuống khiến người dân trồng dưa bị thua lỗ rồi bỏ không trồng dưa nữa”.
Theo ông Tuấn, hiện xã đang tìm hiểu và gây dựng lại cây dưa hấu trên vùng đất này. Xã đã chọn gia đình ông Huê ở xóm 8 làm hộ trồng điểm.
Lão nông cả một đời gắn bó với dưa hấu
Gặp chúng tôi ông Huê tâm sự: “Vùng đất Nga Sơn được nhiều người biết đến và nổi tiếng là từ cây dưa hấu trong truyền thuyết Mai An Tiêm. Từ nhỏ cây dưa đã gắn liền với tôi nên khi lớn lên mình phải cố gắng làm sao giữ lấy đặc sản quê mình này. Vùng đất cát ở đây rất phù hợp với dưa hấu, không nơi đâu trồng dưa cho quả to, ruột đỏ, có hương vị thơm, nhất là hàm lượng đường trong quả dưa ngọt riêng biệt như đất ở Nga Sơn”.
Dù thu nhập từ trồng dưa không cao nhưng những năm qua, chưa năm nào ông Huê bỏ trồng một vụ. Không chỉ ông mà cả gia đình, vợ và con ông cũng luôn ủng hộ và tham gia giúp ông trồng dưa. Ông Huê luôn tìm tòi để làm sao cho giống dưa nâng cao được chất lượng cũng như sản lượng. Đến nay diện tích trồng dưa của gia đình ông không ngừng tăng lên. Lúc đầu khi mới trồng diện tích dưa của ông chỉ chưa đến một sào, đất của gia đình không đủ ông Huê đã đi thuê và mượn đất ở xã Nga Thành để mở rộng diện tích trồng dưa.
Thái Bá - Duy Tuyên