Lào Cai:

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa

(Dân trí) - Bãi đá cổ Sa Pa nằm tại thung lũng Mường Hoa - Sa Pa - Lào Cai, là một di tích kỳ bí và vô cùng có giá trị, đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng bãi đá cổ này đang xuống cấp thảm hại.

Kho báu vô giá đang “hấp hối”

Bãi đá cổ Sa Pa là khu di tích có diện tích khoảng 8 km2 nằm tại thung lũng Mường Hoa trên địa bàn 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van - Sa Pa - Lào Cai. Bãi đá cổ kỳ bí này được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 1
Bãi đá cổ Sa Pa nằm rải rác trên địa bàn 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van - Sa Pa.

Bãi đá có gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Ở đây xuất hiện những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết v.v. có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Năm 1925, giáo sư Pháp Victor Goloubev đã đưa ra những giả thuyết giải thích về các hoa văn này.

Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, cho đến nay, việc giải mã những hoa văn kỳ lạ trên bãi đá cổ này vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 2
Những hoa văn chạm khắc hình người trên những phiến đá cổ Sa Pa được tổng hợp trong nhà trưng bày.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 3
Cận cảnh một số hoa văn đặc biệt trên một phiến đá cổ.

Bãi đá cổ Sa Pa cũng là một trong những di sản thiên nhiên quý giá, không chỉ chuyển tải vẻ đẹp nguyên sơ của một vùng đất mà còn thu hút khách du lịch. Tháng 10 năm 1994, bãi đá cổ Sa Pa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và hiện nay đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
 
Thế nhưng, có mặt tại Sa Pa thời điểm này, du khách và tất cả những ai quan tâm đến di tích độc đáo này đều không khỏi xót xa và tiếc nuối về một bãi đá cổ sắp “biến mất”. Hay nói đúng hơn là những hoa văn vô giá trên bãi đá nghìn tuổi này đang bị những hành động vô ý thức và thiếu trách nhiệm của con người bào mòn.
 
Nhiều tảng đá lớn nằm ngay sát bên đường chỉ được quây lại tạm bợ. Dấu vết hoa văn đã mòn vẹt đi nhiều. Trẻ con leo trèo, dẫm đạp lên những tảng đá quý giá. Du khách cũng tiện thể leo hẳn lên đỉnh những tảng đá để xem hoa văn cho kỹ hay chỉ đơn giản là để chụp ảnh kỷ niệm chứng tỏ mình đã đến bãi đá cổ Sapa.
 

Một tảng đá lớn ngay sát bên đường, đối diện khu nhà trưng bày may mắn được quây bằng các hàng cột xi măng xung quanh nhưng không có người trông nom, không biển cảnh báo chỉ dẫn nên cũng không thoát khỏi bàn chân dẫm đạp của nhiều du khách cố tình leo qua hàng rào bảo vệ để…chụp ảnh kỷ niệm.

 

Con người vô tâm, bãi đá cổ “tuyệt vọng”
 
Đi theo con đường mòn nhỏ xuống bãi đá phía dưới cánh đồng, một thảm cảnh về số phận của những viên đá kỳ lạ còn xót xa hơn nhiều. Những hàng rào xi măng bảo vệ xung quanh dẫu tác dụng chẳng đáng là bao đã bị đập phá tơi bời. Người dân địa phương đập phá lấy lõi sắt hay trẻ trâu đơn giản thấy hàng rào tiện tay đập phá cho vui.
 

Những tưởng, bãi đá chỉ nằm cách đường lớn chưa đầy 300 mét, ngay đối diện khu nhà trưng bày, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt du khách trong ngoài nước đến thăm quan vậy mà chính quyền địa phương im lặng như không hề hay biết. Hàng ngày, muốn vào tham quan cụm các điểm du lịch, trong đó có bãi đá cổ, du khách đều phải bỏ tiền mua vé mấy chục ngàn. Nhưng họ đến thăm bãi đá mà trở ra chỉ thấy xót xa cho số phận những viên đá quý.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 4
Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 5
Đủ kiểu tàn phá bãi đá cổ Sa Pa.

Ngay trên thân những viên đá cổ đầy hoa văn bị khách du lịch, bị trẻ nhỏ vẽ bậy, thậm chí còn khắc bậy lên thân đá. Những lớp hoa văn còn chưa kịp được giải mã đã bị mòn vẹt đi, bị biến dạng. Cũng không hề thấy dù chỉ là một tấm biến cấm xâm hại di tích, hướng dẫn thăm quan đứng tượng trưng cạnh những viên đá đang bị “hủy hoại”.
 
Nhìn viên đá cổ lớn sát ngay bờ sông cuộn đá đẹp hùng vĩ nham nhở những dấu vết biến dạng với hàng rào tan hoang như một bãi chiến trường, ai cũng nghĩ như đã lâu lắm rồi không có ai quan tâm chăm sóc viên đá cổ này nữa.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã nghe nhiều đến bãi đá cổ tại Sa Pa, nhất là những hoa văn, ký tự kỳ lạ trên các tảng đá nghìn năm tuổi ẩn chứa bên trong những bí ẩn còn chưa được giải mã. Nhưng đến thăm bãi đá, tôi thực sự thất vọng bởi cách quản lý, gìn giữ và bảo tồn những di tích quý báu này. Những viên đá phải phơi mưa nắng giữa trời đất như vậy đã ít nhiều bị mài mòn. Nhưng cách mà những người vô ý thức xâm hại bãi đá thực sự mới giết chết cả di tích”.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 6
Bãi đá cổ tan hoang như thể đã lâu lắm không còn ai để ý đến.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 7
Một viên đá cổ lớn trợ trọi nhìn ra dòng sông đá.

Tại bãi đá cổ ngay dưới khu nhà trưng bày, chúng tôi có gặp một bà cụ người Mông. Cụ bà bập bõm vài câu tiếng Kinh: “Những viên đá này người Mông chúng tao quý lắm. Ngày xưa, bãi đá là chỗ linh thiêng không được đến quấy phá. Nhưng người xuôi lên chơi bây giờ cứ leo lên để chụp ảnh. Như thế thần linh quở trách. Không được đâu”. Thấy một nhóm du khách huyên náo đến bãi đá, bà cụ lại đến nhắc nhở.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đức Luận - Chủ tịch UBND huyện Sa Pa - cho biết: “Trước đây, Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai đã có một dự án bảo tồn khu di tích bãi đá cổ Sa Pa, cũng đã xây được khu nhà trưng bày và một số hàng rào quanh những viên đá cổ nhưng sau đó bị gián đoạn. Thực trạng, những viên đá cổ bị xâm hại, hàng rào xung quanh bị đập phá vẫn đang tồn tại. Thực sự, ý thức người dân địa phương, nhất là các trẻ nhỏ và một số khách du lịch còn quá kém. UBND huyện Sa Pa đã hoàn thành một dự án chuẩn bị xây dựng lại các tuyến đường xuống bãi đá, các rào chắn quanh các viên đá cổ và thành lập tổ bảo vệ tuần tra bãi đá. Nguồn vốn đầu tư cho dự án lấy từ kinh phí vé thăm quan các điểm du lịch với số tiền ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành dự án để bảo vệ di tích bãi đá cố trong năm 2012”.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại về sự xuống cấp của bãi đá cổ Sa Pa:

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 8

Viên đá nằm chênh vênh trước nhà trưng bày.
Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 9

Một viên đá hiếm hoi còn hàng rào bao quanh.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 10

Nhưng cũng không thoát khỏi thú chụp ảnh của những du khách trẻ tuổi.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 11

Phiến đá cổ với những nét vẽ nguệch ngoạc.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 12
Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 13

Từ chửi bậy đến... tán tỉnh nhau trên đá cổ.
Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 14

Một họa tiết hoàn chỉnh khá hiếm hoi trên các phiến đá.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 15

Cách hành xử thiếu ý thức của các bạn trẻ đang "giết chết" bãi đá cổ.

Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 16

Hàng rào bảo vệ bãi đá cổ tan hoang.
Lời kêu cứu từ bãi đá cổ Sa Pa - 17

Xót xa cho một di sản.


Anh Thế - Quốc Đô