1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nơi xảy ra bức cung, nhục hình, oan sai

(Dân trí) - Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự vừa được Thủ tướng ban hành yêu cầu xử nghiêm người thi hành công vụ sai phạm và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu.

Cụ ông 80 tuổi Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) hơn nửa thế kỷ mang nỗi đau khổ nhục về tội giết người vừa được liên ngành tư pháp Trung ương minh oan. Mới đây gia đình cụ Thêm đã gửi đơn yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội thuộc TAND Tối cao bồi thường trên 12 tỷ đồng (Ảnh: Bá Đoàn)
Cụ ông 80 tuổi Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) hơn nửa thế kỷ mang nỗi đau khổ nhục về tội giết người vừa được liên ngành tư pháp Trung ương minh oan. Mới đây gia đình cụ Thêm đã gửi đơn yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội thuộc TAND Tối cao bồi thường trên 12 tỷ đồng (Ảnh: Bá Đoàn)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo đó, Chương trình nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 96/2015: Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự; không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai. Khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm. Giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính. Hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình, người đang bị giam giữ và chấp hành án tại các cơ sở giam giữ chết do tự sát, đánh nhau.

Chương trình vừa được Thủ tướng ban hành cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với người thi hành công vụ sai phạm và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Bên cạnh đó, Chương trình đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm, tăng cường công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; bảo đảm việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can chặt chẽ, thận trọng, đúng thủ tục pháp luật và có căn cứ và khắc phục việc làm oan người vô tội.

Hoàn thiện, ban hành hướng dẫn quy trình điều tra các loại án, về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, công tác điều tra ban đầu, nhất là đối với các vụ án giết người, hiếp dâm không quả tang.

“Không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; không để xảy ra trường hợp người đang bị giam giữ, chấp hành án tại các cơ sở giam giữ chết do tự sát, do đánh nhau và phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở giam giữ để xảy ra tình trạng này”- nội dung Chương trình nêu rõ.

Cơ quan điều tra Bộ Công an được giao tiếp nhận, điều tra giải quyết các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án có hiệu lực pháp luật kết án bị cáo hình phạt chung thân hoặc tử hình để điều tra lại. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan chức năng của VKSND và TAND khẩn trương giải quyết các vụ án đã quá thời hạn luật định, xử lý dứt điểm những vụ án kéo dài và các vụ án khác được dư luận, cử tri quan tâm; sớm kết thúc điều tra đề nghị truy tố đối với các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy bản án có hiệu lực pháp luật để điều tra lại; minh oan và phối hợp giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm thẩm quyền tố tụng do luật định; khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, bảo đảm không để xảy ra oan, sai.

Ngoài chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình, Chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành còn đặt ra yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.... Đi liền với đó, sớm hoàn thiện, ban hành quy trình, quy chuẩn giám định trong các lĩnh vực này, tạo cơ sở tin cậy cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng xem xét, quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình”- Chương trình vừa được Thủ tướng ban hành nhấn mạnh.

Chương trình này được ban hành trong bối cảnh thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án oan sai rúng động dư luận cả nước. Nhà nước đã phải trích ngân sách bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) trên 7,2 tỷ đồng, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) 23 tỷ đồng và hiện nay các cơ quan liên quan đang phải đàm phán, thỏa thuận giải quyết đề nghị bồi thường oan sai của ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) với số tiền trên 12 tỷ đồng, ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) với số tiền 18 tỷ đồng...

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm