1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lại ta thán việc thu hồi tài sản của Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Tại hội nghị công tác do Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức cuối tuần qua, đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, việc xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của các đối tượng phải thi hành án như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên ("Bầu" Kiên) đang gặp rất nhiều khó khăn.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, toàn thành phố có 1.347 việc với tổng số tiền phải thi hành 46 tỷ đồng đã tồn đọng trên 10 năm. Trong đó, người phải thi hành án đi tù không có tài sản để thi hành là 945 việc; doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn, không rõ địa chỉ người phải thi hành án là 402 việc. Mặc dù theo quy định hiện nay, loại việc này được tính là việc chưa có điều kiện thi hành án, nhưng do tồn đọng kéo dài chưa có cơ sở để giải quyết dứt điểm nên chấp hành viên vẫn phải theo dõi, xác minh định kỳ và tổ chức thi hành án khi có điều kiện.

Bên cạnh đó, đến nay Hà Nội còn 36 bản án, quyết định của toàn án tuyên không rõ, khó thi hành với số tiền phải thi hành trên 251,6 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2016, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã xử lý kỷ luật 3 công chức (1 công chức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức, 2 chấp hành viên bị kỷ luật khiển trách); đề nghị cho từ chức 1 Chi cục trưởng. Ngoài ra, cơ quan này đã thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc các trường hợp có thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các sai phạm khi phát hiện đều được xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp, không phân biệt, loại trừ hoặc tạo ra vùng cấm với riêng trường hợp nào.

Đáng chú ý, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho rằng việc xác minh, xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản của các đối tượng phải thi hành án như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và những cá nhân, tổ chức có liên quan trong các vụ việc thi hành án giá trị thi hành lớn gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát từ chính các mối quan hệ kinh tế, sở hữu chéo, cơ chế, chính sách pháp luật một số điểm còn chưa phù hợp; hoặc việc thiếu minh bạch, hiệu quả, các giao dịch kinh tế, dân sự hoặc có sự che giấu tài sản.

Do vẫn còn tồn tại quan điểm khác nhau, sự không thống nhất, chưa có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành dẫn đến việc chưa thể tổ chức xử lý khoản tiền 20 tỉ đồng đã bị phong tỏa trong tài khoản của Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B mở tại Ngân hàng ACB hoặc vụ việc chưa giải tỏa khoản tiền 14 tỷ đồng của Công ty CP Bất động sản Vinalines mở tại Sở Giao dịch I- Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp báo Bộ Tư pháp vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thông báo, bản án của tòa án buộc Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines - phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại 5,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ rất thấp.

Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, 6 tháng qua, toàn ngành đã phát hiện và xử lý kỷ luật 46 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp bị xử lý hình sự. “Kết quả thi hành án dân sự chưa có sự đột phá, số việc và tiền chưa có điều kiện thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, trên 226.000 việc với tổng số tiền trên 83.300 tỷ đồng”- báo cáo nêu rõ.

Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá, năng lực, trình độ chuyên môn, đặc biệt là ý thức trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của đội ngũ lãnh đạo quản lý còn chưa xứng tầm, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm. Hơn nữa, kinh tế trong nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn có người mua.

Thế Kha