1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giải báo chí cho cô bé chưa tròn 1 tuổi

(Dân trí) - Loạt bài về bé Nhân Ái của báo Dân trí được BTC Giải Báo chí Quốc gia 2011 trao giải C. Nhưng nhìn ở góc độ nào đó, đây chính là giải báo chí dành cho bé Nhân Ái và cho những bạn đọc thân thiết đã đồng hành cùng "thiên sứ" này.

Nhà báo Hồng Tâm đại diện nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài bé Nhân Ái
Nhà báo Hồng Tâm đại diện nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài bé Nhân Ái

Bởi một lý do đơn giản: chính những phản hồi và hành động thiết thực của hàng triệu độc giả đã cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của sự kiện này. Chính bé Nhân Ái - cô bé chưa tròn 1 tuổi và chịu biết bao thiệt thòi ấy - là động lực gắn kết hàng triệu trái tim. Và nhờ đó, loạt bài về bé Nhân Ái mới thực sự có giá trị.

Chúng tôi vẫn nhớ như in, sau bài báo “Cháu bé bị bỏ rơi nguy kịch trên giường bệnh” được đăng tải, 19/7/2010, câu chuyện về em bé bị bỏ rơi, bơ vơ trên giường bệnh suốt 10 tháng ròng làm đau nhói trái tim bạn đọc trong và ngoài nước.

Ngay lập tức, nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT báo Dân trí, chỉ đạo tạm ứng Quỹ Tấm lòng nhân ái để hỗ trợ điều trị cho bé và chính ông đặt tên cho con là Nhân Ái. Nhà báo Hồng Tâm và PV Vân Sơn cũng chính thức nhận đỡ đầu cho con.
 
Lãnh đạo VP TPHCM của báo Dân trí trực tiếp tham gia chỉ đạo phóng viên vào cuộc quyết liệt. Mỗi tin bài cập nhật về sức khỏe của Nhân Ái được bạn đọc thấp thỏm dõi theo. Trong vòng 10 ngày, hơn 2 tỷ đồng được bạn đọc quyên góp để chữa trị cho con; hàng ngàn lượt bạn đọc trực tiếp đến bệnh viện thăm nom bé; hàng trăm ông bố, bà mẹ xin được làm bố mẹ của Nhân Ái…

Thế nhưng, sự chung tay góp sức và tình yêu thương của bao nhiêu con người cũng không thể giành bé khỏi vòng tay tử thần. Ngày 6/9/2010, trái tim của Nhân Ái đã ngừng đập.

Từ nỗi đau mất con, Hội Cha Mẹ Nhân Ái đã ra đời. Những ông bố bà mẹ yêu Nhân Ái quyết tâm cùng nhau làm một điều gì đó cho những sinh linh bị cha mẹ bỏ rơi, để không còn bé nào phải chịu nỗi đau như Nhân Ái nữa… Rồi phong trào bùng lên khắp cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Một phong trào thiện nguyện lan xa, kéo dài để cái tên Nhân Ái sống mãi…

Ngoài ra, số tiền hàng tỷ đồng bạn đọc đóng góp chữa trị cho Nhân Ái nhưng chưa chi hết được gom lại thành lập Quỹ Bé Nhân Ái để giúp những bệnh nhi nghèo. Nhờ số tiền này, hàng trăm em bé bị bệnh hiểm nghèo mà gia đình khó khăn đã được chữa khỏi bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Với chúng tôi, đó là giá trị lớn nhất mà loạt bài bé Nhân Ái đạt được. Có được điều này là nhờ vào Nhân Ái, nhờ vào sự kết nối yêu thương của một "thiên sứ". Do đó, giải báo chí này chính là để dành cho con, Nhân Ái yêu thương!

Nhân dịp tập thể phóng viên Dân trí đại diện đón nhận giải C giải Báo chí Quốc gia 2011 cho loạt 73 bài về bé Nhân Ái trong tối 21/6, Dân trí xin gửi đến bạn đọc chia sẻ chân tình của những con người đã trực tiếp viết về bé, tham gia hỗ trợ bé chữa trị bệnh tật, trực tiếp đưa thi hài bé về với đất mẹ…

Nhà báo Hồng Tâm đại diện nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài bé Nhân Ái
Các tác giả Dân trí tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia 2011 (từ trái qua phải, người thứ 1, 2, 4, 5 ở hàng đầu: nhà báo Bùi Hoàng Tám, nhà báo Hồng Tâm, phóng viên Hồng Nhung, phóng viên Vân Sơn)

Nhà báo Hồng Tâm
Phó Trưởng đại diện Văn phòng Phía Nam, báo Dân trí, người theo sát và chỉ đạo xuyên suốt loạt bài về Nhân Ái

Hoàn toàn không quá lời nếu nói Nhân Ái là Thiên sứ của tình yêu. Nhân Ái đã làm được điều vô cùng kỳ diệu: bằng chính cuộc đời bất hạnh ngắn ngủi của mình, bé đã khơi gợi lương tri và tình yêu thương của hàng triệu con người. 
 
Tình yêu dành cho Nhân Ái kéo mọi người lại gần nhau. Biến nỗi đau mất con thành hành động cụ thể, phong trào từ thiện, hướng về trẻ bất hạnh sôi sục khắp mọi miền đất nước.
  
Loạt bài về bé Nhân Ái và những hoạt động chung quanh Nhân Ái thể hiện trái tim nhiệt huyết của phóng viên, kết tinh đáng quý của tinh thần đoàn kết và nhân văn. Chính Nhân Ái đã kéo bạn đọc và Dân trí xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. 

Từ góc nhìn báo chí, có thể thấy những bài viết về bé Nhân Ái là một kỷ lục mà ít tác phẩm nào có thể vượt qua, có bài đạt hơn 700.000 lượt bạn đọc khắp trong và ngoài nước truy cập và hàng chục ngàn phản hồi. Sự kiện Nhân Ái đã thay đổi cả tư duy và cách sống của rất nhiều bạn đọc.

Còn nhớ khi đọc được bài viết về bé Nhân Ái nhiều bạn đọc từ nước ngoài đã gửi thư đến Dân trí để tỏ bày tình cảm của mình, trong đó có một bạn đọc sống tại Mỹ cho biết nếu được cho phép anh sẵn sàng về Việt Nam đưa Nhân Ái ra nước ngoài chữa trị, dù có phải bán đi cả gia tài của mình cũng sẽ quyết tâm cứu con. Sau này, khi Nhân Ái mất, chính người cha ấy đã mang hình của con đến gửi tại một ngôi chùa ở Mỹ.

Sau sự kiện bé Nhân Ái, nhiều bé bị bỏ rơi khác như Nhân Nghĩa, Nhân Hòa, Nhân Hậu, Nhân Tâm… đã được giúp đỡ nhờ sự chung tay của cộng đồng.

Phóng viên Vân Sơn
Người đầu tiên phát hiện ra bé Nhân Ái ở BV Nhi Đồng 2 TPHCM và là người theo sát hành trình giành giật sự sống cho Nhân Ái

Mỗi khi nghĩ về Nhân Ái lòng tôi lại quặn thắt. Từ giây phút đầu tiên tận mắt chứng kiến nỗi đau đớn vô tận cả về thể xác lẫn tinh thần của Nhân Ái, tôi tự nhủ mình phải hành động, hành động để mong sao Nhân Ái sẽ có cơ hội bước tiếp trên con đường tìm đến với kiếp người.

Nhưng tiếc thay, thực tế nghiệt ngã. Giữa lúc cộng đồng xã hội chung tay giúp sức, nhưng do mắc phải nhiều chứng bệnh nan y, con đã không thể qua khỏi. Ngày tiễn đưa con, lòng tôi nghẹn đắng. Giá như thời gian quay lại để mọi người được biết về cảnh đời nghiệt ngã của con sớm hơn thì có lẽ câu chuyện về bé Nhân Ái sẽ là một bức tranh sáng đầy niềm vui.

Phóng viên Hồng Nhung
Người túc trực bên Nhân Ái, cập nhật liên tục các thông tin về con và những hoạt động kết nối xung quanh

Từ lúc nhận được hung tin của bệnh viện đến giờ “tốt nhất để di quan” của Nhân Ái chỉ có 4 tiếng. Tập thể cán bộ phóng viên của Dân trí tại TPHCM đã làm hết sức mình để chu toàn hậu sự cho con. Tôi nhận việc làm di ảnh cho bé.

Từng cái click xóa đi những vết thuốc đỏ, những vết trầy trụa, gỡ những miếng băng keo trên khuôn mặt thiên thần… là những việc mà tôi từng ước ao làm được khi đứng bên giường bệnh của bé. Những tưởng sẽ được đi cùng Nhân Ái từ bệnh viện tới một mái ấm gia đình, rồi đến trường mẫu giáo… Nhưng không ngờ lại phải làm di ảnh cho con. Vậy là, không còn những buổi đứng bên ngoài Khoa hồi sức chờ tin của bác sĩ, lắng nghe tiếng máy móc đều đều đang duy trì nhịp thở cho Nhân Ái nữa rồi…

Anh Trần Tôn Tấn Sĩ 
Hội tr
ưởng Hội Cha mẹ Nhân Ái tại TPHCM

Ngày đầu tiên biết về hoàn cảnh của Nhân Ái, tôi thật sự sốc vì xót thương con. Quá trình theo dõi thời gian con chống chọi với bệnh tật, tham gia những hoạt động trợ giúp bé Nhân Ái cùng mọi người đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi về cuộc sống, thể hiện tình yêu thương nhiều hơn.

Không chỉ riêng tôi, mà bạn bè quanh tôi cũng thay đổi nhiều, mọi người xung quanh xích lại gần nhau nhiều hơn và sẵn sàng chia sẻ. Và chính những thay đổi đó mà ngày hôm nay mới có Hội Cha Mẹ Nhân Ái tụ tập những con người biết yêu thương con người với tiêu chí “để không còn Nhân Ái thứ hai”.

Chị Phương Hà
Tác giả bài thơ “Phút cuối bên con”, sau này được phổ nhạc và nhiều ca sĩ tham gia trình bày. Bài hát này trở thành bài hát chính trong các sự kiện tưởng nhớ Nhân Ái.

Khi bước vào nhà đại thể cùng người liệm xác, trong lòng tôi như chết lặng. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé quá, bất lực quá, tôi với con chỉ cách nhau vài bước chân mà như xa cách nghìn trùng…

Trở về nhà sau khi tiễn biệt con, nhớ thi hài bé bỏng nằm bất động trong nhà đưa tiễn, tôi lại không thể cầm được nước mắt. Những cảm xúc mãnh liệt ập đến, tôi viết bài thơ bằng tình yêu thương từ con tim của mình như một lời chia tay với con… Và trong đó, tôi xin gửi gắm ước mơ xã hội sẽ không còn một Nhân Ái thứ hai với số phận đầy nghiệt ngã, đắng cay như con…

Ca sĩ Hoàng Bách
Anh là người rất nhiệt tình khi tham gia ghi âm bài hát “Phút cuối bên con” cũng như trực tiếp thể hiện bài hát này để tiễn biệt Nhân Ái, những ngày cúng thất cho bé…

Tôi nghĩ việc mình và gia đình được tham gia 1 chương trình thiện nguyện tuyệt vời và mang nhiều ý nghĩa như thế này là một may mắn… Thật sự, trước khi tham gia chương trình, tôi không hề nghĩ là chương trình lại nhận được sự quan tâm nhiều đến vậy từ những đọc giả của Dân trí từ khắp nơi, không chỉ ở Việt Nam.

Tham gia những sự kiện đó, tôi nhận được rất nhiều, mà có lẽ nhiều nhất là những bài học về cuộc sống đối với chính bản thân mình và quan trọng nhất là cho con trai mình… Tôi rất mong sẽ có nhiều hơn những đơn vị như báo Dân trí sẽ là đầu mối quan trọng để kết nối những trái tim, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho những số phận không may mắn trong xã hội.

Nhóm phóng viên