1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dương Chí Dũng có dễ dàng thoát án tử hình?

(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - cho biết cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại 5,2 tỷ đồng.

 

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

 

Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thi hành. Trong đó có việc rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt chung thân, miễn chấp hành hình phạt tù, xóa án tích cho người bị kết án...

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về tiến trình rà soát các trường hợp được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt chung thân và cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng có dễ dàng đóng 3/4 tiền tham nhũng để thoát án tử hình hay không, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) giải thích: Bộ Công an đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý trại giam và thi hành án hình sự nên trách nhiệm rà soát đối với những người đang bị kết án; những người đang bị điều tra, truy tố lại thuộc về trách nhiệm của VKSND Tối cao.

“Bộ Tư pháp chỉ là đầu mối thôi. Chúng tôi đang làm kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ vì việc này liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực nên Thủ tướng phải ban hành, trong đó nói rõ nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Chính phủ, còn tòa án và viện kiểm sát thì đã quy định rõ trong nghị quyết của Quốc hội rồi. Kể từ ngày bộ luật có hiệu lực các điều này phải được áp dụng, các bộ ngành đang rất tích cực làm việc này”- bà Thoa nói.

Theo quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình, chuyển thành hình phạt chung thân.

“Chúng ta phải hình dung là những người đã bị kết án tử hình (như Dương Chí Dũng - PV) muốn giảm án xuống chung thân phải có đủ 2 điều kiện: Đã có khắc phục 3/4 tài sản và phải cộng thêm việc đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, lập công lớn”- bà Thoa phân tích.

“Chia lửa” với bà Thoa, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) thông báo, bản án của tòa buộc Dương Chí Dũng phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại 5,2 tỷ đồng. “Đây là tỷ lệ rất thấp”- ông Sơn nói.

Cựu chủ tịch Vinashin mới bồi thường được 1,73 tỷ đồng (!)

Số liệu mà ông Nguyễn Văn Sơn cung cấp cho thấy cơ quan thi hành án dân sự cũng chỉ mới thu hồi được một khoản tiền rất nhỏ của Phạm Thanh Bình - cựu Chủ tịch Vinashin.

Theo phán quyết của tòa án, Phạm Thanh Bình phải nộp 651 triệu án phí, phải liên đới bồi thường số tiền 542 tỷ đồng. Tuy vậy ông Sơn khẳng định đến nay Phạm Thanh Bình mới thi hành xong án phí và bồi thường khoảng 1,73 tỷ đồng (!).

 

Phạm Thanh Bình tại phiên xét xử.
Phạm Thanh Bình tại phiên xét xử.

 

Giải thích cho điều này, ông Sơn khẳng định các tài sản của Phạm Thanh Bình đã được cơ quan thi hành án xác minh rất kỹ, nhưng chỉ phát hiện có một căn nhà ở Trung Hòa - Nhân Chính thuộc sở hữu của 2 vợ chồng nên “chỉ xử lý được 1/2 cái nhà này nên mới được số tiền đó”.

“Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, chỉ đạo rà soát kỹ hơn nữa xem ông ấy còn tài sản ở đâu không, kể cả ở nước ngoài cũng phải xử lý. Trong quá trình tố tụng hình sự trước đây không có kê biên, đảm bảo tài sản nào nên mới vậy. Hầu hết các tổ chức, công dân liên quan đến thi hành án đều tuân thủ, tự nguyện nhưng cuối cùng phải cưỡng chế thi hành, bởi họ tìm mọi cách che giấu tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án”- ông Sơn nêu thực tế.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm