Đóng 3/4 tiền tham ô, Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình?

(Dân trí) - Khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 thì những tử tù như Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có thể thoát án tử hình nếu nộp đủ 3/4 tài sản tham ô?

 


Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

 

Câu hỏi này đã được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chiều 27/11.

Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 27/11 quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định”.

Đáng chú ý, tại điểm c khoản 3 Điều 40 quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình, chuyển thành hình phạt chung thân.

Điều này đã đặt ra vấn đề, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 mà những tử tù như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), nộp đủ 3/4 số tiền tham ô thì có thể thoát án tử hình, chuyển sang hình phạt chung thân hay không?

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm định Bộ luật Hình sự), cho biết báo cáo hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng cho thấy Nhà nước thường chỉ thu hồi được từ 10-30% tài sản tham nhũng. Năm 2015 thu hồi được nhiều nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra.

“Trong một thời gian khá dài thì tỷ lệ này rất thấp, chỉ trên dưới 10%. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có quy định trong việc phục hồi thiệt hại cho nhà nước. Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì có Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những vấn đề quá độ”- ông Quyền nói.

Tuy nhiên, Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự cũng được Quốc hội thông qua trong buổi sáng 27/11 đã hướng dẫn rất rõ: “Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự này, thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân”.

PV Dân trí đã cố gắng tìm câu trả lời cụ thể về hai trường hợp trên nhưng chưa nhận được câu trả lời từ những người có thẩm quyền.

Trước đó, Dân trí đã phản ánh, trong những phiên thảo luận về nội dung này cũng nhận rất nhiều ý kiến trái nhiều. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đã đặt vấn đề, “miễn” tử hình trong trường hợp này đồng nghĩa với việc có thể “dùng tiền để mua mạng sống”, người tham nhũng sẽ có tâm lý liều lĩnh, quyết liệt hơn vì dù sao cũng vẫn còn đường sống ở cuối đường hầm. Ngược lại, những ý kiến ủng hộ việc “miễn” tử hình này cho rằng, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, quan trọng là thu hồi được tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, còn có tử hình nhiều người phạm tội thì cũng không vì thế mà loại tội phạm này giảm đi.

Từ những ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật Hình sự đã được điều chỉnh lần chót là quy định mức khắc phục hậu quả là nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội để được miễn hình phạt tử hình. Cơ quan giải trình cho biết, Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về vấn đề này, kết quả, đa số đại biểu tán thành quy định này.

Trước khi biểu quyết chung về toàn bộ Bộ luật, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về Điều 40. Đây là nội dung nhận được ít sự ủng hộ nhất. Có 342/429 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành với quy định này (tương đương 69,23% tổng số đại biểu Quốc hội) trong khi tất cả các nội dung khác đều nhận từ 80-86% “phiếu thuận”. Nhưng hơn 69% vẫn thừa điều kiện để điều luật được thông qua.

 

Sáng 27/11, TAND TPHCM đã tuyên 2 án tử hình đối với bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) và Đặng Văn Hai (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Quang Vinh) về các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao được công bố chiều 7/5/2014 đã giữ nguyên án sơ thẩm với hình phạt tử hình đối với Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và buộc Dũng nộp 110 tỷ đồng. Dương Chí Dũng phạm hai tội là Tham ô và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Thế Kha