Yêu cầu bổ sung nội dung cho dự thảo 3 Đề án đặc khu kinh tế

(Dân trí) - Dự thảo 3 Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vừa bị Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp kết luận là chưa thực sự thuyết phục và cần phải bổ sung, làm rõ để thấy sự khác biệt nổi bật của từng đặc khu.

Phối cảnh dự án Casino Vân Đồn.
Phối cảnh dự án Casino Vân Đồn.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định 3 Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Cuộc họp đã chỉ ra các lợi thế đặc thù, đánh giá định tính, định lượng để đưa ra đề xuất cụ thể các ngành nghề ưu tiên đầu tư phát triển cho từng đặc khu kinh tế. Trong đó, đặc khu kinh tế Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn - không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long - mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á… nên ưu tiên công nghệ cao, du lịch, hậu cần.

Bắc Vân Phong nằm rất gần ngã ba các tuyến hàng hải châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á, và Đông Nam Á - Đông Bắc Á và là điểm hội tụ của các cảng trên bán đảo Đông Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên ưu tiên cảng biển, quốc phòng.

Còn Phú Quốc thì có điều kiện thuận lợi gắn kết bằng đường biển với các nước ASEAN, có các tuyến du lịch biển và các tuyến hàng hải quốc tế; cách Thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay… nên sẽ ưu tiên du lịch, bán lẻ, y tế.

Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) đã nêu ra một số điểm hạn chế như các đặc khu này đều chưa được quy hoạch chi tiết và chưa có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (mới được Quốc hội cho ý kiến). Chính vì thế tính khả thi của 3 Đề án này không tương đương nhau, cần lộ trình triển khai cho mỗi Đề án.

Về mô hình tổ chức bộ máy, dự thảo 3 Đề án quy định người đứng đầu đặc khu sẽ là Trưởng đặc khu, nhất thể hóa với chức danh Bí thư. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi thẩm tra Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lại đưa ra mô hình tổ chức chính quyền có HĐND.

Ông Nguyễn Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) đánh giá, các Đề án chưa làm nổi bật tính đặc biệt và sự cần thiết có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ông Thái đề nghị làm rõ, so với mô hình chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì đơn vị đặc biệt này khác cái gì?. Đối với căn cứ ban hành, phải phân tích được cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Đồng tình, lãnh đạo Vụ Pháp luật quốc tế đề nghị phải quan tâm đến mô hình quốc tế, nhất là các mô hình đã thành công như đặc khu Hồng Kông, Thâm Quyến (Trung Quốc), Singapore… để từ đó thấy được những kinh nghiệm cần tham khảo, học hỏi.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tán thành một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, visa… nhưng băn khoăn về việc có nên đánh đổi cả mô hình tòa án, cơ chế xét xử hay không?. Các chính sách ưu đãi trong các dự thảo các Đề án cũng chưa thống nhất khi có đặc khu ưu đãi 99 năm, có đặc khu ưu đãi 70 năm về đất đai nên cần cân nhắc, rà soát kỹ càng.

Trước vấn đề trên, ông Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp phân tích, thông thường có hai loại đề án, hoặc là đề án để từ đó xây dựng luật hoặc là đề án sau khi có luật thì xây dựng để triển khai thực hiện luật.

Tuy nhiên 3 Đề án thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không thuộc 2 loại trên và các cơ quan chức năng đã chỉ đạo tiến hành xây dựng Đề án song song với dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chính vì thế, ông Châu yêu cầu Hội đồng thẩm định tập trung vào sự cần thiết ban hành và cơ sở ban hành Đề án; mô hình tổ chức chính quyền, các chính sách đặc thù, đánh giá tác động của các đề án này.

Kết luận đề án chưa thực sự thuyết phục về sự cần thiết xây dựng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu xây dựng bổ sung lợi thế tương đối, lợi thế tuyệt đối của mỗi đặc khu và phân tích, làm rõ để thấy sự khác biệt nổi bật của từng đặc khu.

Ông Châu đề nghị các đơn vị chuẩn bị Đề án cần chủ động phương án, rà soát các chính sách đặc thù và các lĩnh vực ngành nghề phát triển của từng đặc khu.

Thế Kha