Đấu tranh chống tham nhũng, sợ nhất... “alo, vỗ vai”!

(Dân trí) - “Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay, nhà báo và cơ quan báo chí không thể tự thân và đơn phương. Thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bài báo sẽ bị rơi vào im lặng... Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sợ nhất “alo, vỗ vai”." - Đó là một ý kiến tại Hội thảo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tại hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Báo Nhân Dân, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/4, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tiêu cực, ngăn chặn hạn chế tiêu cực.

“Lâu nay chúng ta có hạn chế là cơ quan nhà nước rất ít phát hiện tham nhũng. Báo chí phát hiện nhiều nhưng không xử lý được. Vì vậy, báo chí phát hiện rồi thì cơ quan nhà nước phải làm sao xử lý được tiêu cực”- ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua MTTQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Thanh tra Chính phủ, qua đó kiến nghị phải làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí. Tới đây MTTQ Việt Nam sẽ làm việc với các địa phương, kiến nghị công bố kết quả thanh tra, tạo thuận lợi cho báo chí tác nghiệp.

“Với những sự việc xảy ra được sự quan tâm của xã hội thì trong vòng 24 tiếng, người phát ngôn của chính quyền đó phải phát ngôn cung cấp thông tin. Đó là quy định rất rõ ràng trong nghị định của Chính phủ. Tới đây MTTQ Việt Nam sẽ giám sát cả việc thực hiện quy chế phát ngôn và tiến hành giám sát, mở cửa thông tin, minh bạch, nhất là trong các vấn đề quyết định thanh tra, đấu thầu”- ông Nhân thông báo.

Không nên cấm nhà báo sử dụng kỹ thuật ngụy trang ghi âm, ghi hình

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Dững- Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, do đặc thù hoạt động của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng thường là hoạt động “đơn tuyến” và “độc lập” tác chiến nên không có cách nào hiệu quả hơn việc trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo thật sự mang tính chuyên nghiệp cao.

Cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, theo đó tạo mọi điều kiện cho nhà báo thu thập thông tin, tiếp cận nguồn tin theo tinh thần Luật tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.

“Không nên cấm nhà báo và người dân nói chung sử dụng phần mềm, kỹ thuật ngụy trang ghi âm, ghi hình vì đó là công cụ, phương tiện và phương pháp giúp nhân dân phát huy vai trò của chí của Đảng trong đấu tranh chống tham nhũng. Một lệnh cấm như vậy sẽ có hại nhiều hơn cho sự nghiệp của Đảng”- ông Dững thẳng thắn.

Từ đó, ông Dững đề xuất lập quỹ báo chí đấu tranh chống tham nhũng để có thể kịp thời động viên những nhân tố tích cực, đặc biệt hỗ trợ cho những nhà báo gặp tai nạn nghề nghiệp.

Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh quy định về cấm sử dụng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình hạn chế hoạt động tác nghiệp của nhà báo trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy những ý kiến đóng góp đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu để chỉnh sửa cho phù hợp.

Ông Tâm đề xuất nghiên cứu về cơ chế phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo đấu tranh phòng chống tham nhũng. Hình thức phối hợp có thể là bằng văn bản, trong đó gồm các quy định về mục đích, nguyên tắc phối hợp, các điều kiện và biện pháp phối hợp, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của Hội Nhà báo cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện các quy định của Luật báo chí, Luật phòng chống tham nhũng. Văn bản này có giá trị pháp lý, tạo điều kiện để các nhà báo yên tâm hoạt động tác nghiệp, có đủ bản lĩnh dấn thân thực hiện tác nghiệp, đấu tranh có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Sợ nhất “alo, vỗ vai”

Nhà báo Duy Thanh - Phó Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết cho rằng, chống tham nhũng, lãng phí chính là chống lại sự tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên có chức có quyền trong bộ máy nhà nước. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm. Điều đó đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng, có động cơ xây dựng, đặt mình vào trong cuộc để tháo gỡ và phải hết sức thận trọng, tỉnh táo.

Nhà báo Duy Thanh phát biểu tại hội thảo.
Nhà báo Duy Thanh phát biểu tại hội thảo.

Nhà báo không phải là tòa án, không thể dùng từ ngữ kết tội ngay được mà chỉ có thể nêu sự kiện, chi tiết, lý lẽ sắc bén, thuyết phục. Mỗi chi tiết sự kiện trong tác phẩm báo chí đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh mới có đủ sức thuyết phục, không được phép suy diễn, áp đặt…

“Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay, nhà báo và cơ quan báo chí không thể tự thân và đơn phương. Thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bài báo sẽ bị rơi vào im lặng. Cơ quan báo chí, nhà báo không có quyền xử lý vi phạm. Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sợ nhất “alo, vỗ vai”. Chỉ có sự minh bạch, sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng mới làm cho các thông tin báo chí trở thành căn cứ, chứng cứ đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực, tham nhũng góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”- nhà báo Duy Thanh trăn trở.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tiễn, nhà báo Bùi Trung Chính -Trưởng ban Thời Nay, Báo Nhân Dân bày tỏ, nhà báo và cơ quan báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ bị cuốn vào một “cuộc chơi” lớn với nhiều đe dọa, rủi ro.

Để bảo đảm tính khách quan, nhiều trường hợp nhà báo phải thực hiện các cuộc điều tra độc lập với những chức vụ quyền hạn rất hạn chế. Không chỉ các nhóm lợi ích, tham nhũng cản trở, chống phá hoạt động tác nghiệp của nhà báo mà thói cửa quyền, quan liêu, vô cảm của bộ máy công chức cũng gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của nhà báo

“Cần nói thêm rằng đã có nhiều tuyên ngôn to lớn về việc ủng hộ hoạt động của các nhà báo chống tham nhũng, lãng phí nhưng hầu như chưa có một hoạt động bênh vực với nhà báo cụ thể nào. Trong khi đó các nhóm lợi ích với động lực hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ngày càng tinh vi, quyết liệt trong đối phó với các lực lượng đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có báo chí. Điều mà những nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí luôn mong mỏi là kết quả xã hội của bài báo: kẻ làm trái phải trả giá, giảm nhẹ nhất thất thoát tài sản xã hội… Chính vì vậy, hợp tác với cơ quan chức năng tiếp tục xử lý các vấn đề báo chí đã nêu là điều mọi nhà báo mong muốn”- nhà báo Trung Chính nêu quan điểm.

Đề xuất nhận tin báo tố giác qua Facebook, Zalo

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, nhà báo Nguyễn Tấn Phong – Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đề xuất hình thành các hộp thư tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí thông qua các phương tiện như: hộp thư góp ý, gửi tin nhắn qua điện thoại, email, các mạng xã hội Facebook, Viber, Zalo, Tanggo… Có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng, lãng phí, thường xuyên động viên, khen thưởng người dân cung cấp nguồn tin dẫn đến sự vào cuộc của cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng. Đồng thời mở các trang diễn đàn, đối thoại giữa người dân với các cơ quan hành chính Nhà nước trên một số lĩnh vực có liên quan đến việc đấu tranh, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí của các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị các cấp.

Thế Kha