1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Tư pháp nói về đề xuất nhà báo, người dân không được ngụy trang ghi hình

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 26/4, đại diện Bộ Tư pháp đã lên tiếng trước những lo lắng của dư luận thời gian qua về đề xuất của Bộ Công an có thể khiến nhà báo, người dân không được dùng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình.

(Ảnh minh hoạ: Báo Giao thông)
(Ảnh minh hoạ: Báo Giao thông)

Tại cuộc họp báo, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về việc Bộ Tư pháp đã cho ý kiến về đề xuất của Bộ Công an “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” hay chưa? Nếu quy định này được ban hành sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân, luật sư?

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng “đã đến Bộ Tư pháp lần thứ 3”.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thai nghén mấy năm rồi, Bộ Tư pháp cũng thẩm định rồi nhưng Chính phủ chưa ban hành được bởi trước đây nó không nằm trong danh mục ngành nghề kèm theo Luật Đầu tư. Tức là việc kinh doanh phần mềm nguỵ trang này chưa có trong danh mục kinh doanh có điều kiện, không phù hợp với luật. Tuy nhiên vừa qua Quốc hội thông qua Luật Đầu tư mới, đưa ngành nghề này vào phụ lục là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên Bộ Công an đã hoàn thiện lại dự thảo”- ông Hải thông tin.

Theo ông Hải, chiều qua (25/4), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định dự thảo nghị định này và hiện nay đang hoàn thiện để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp hôm qua, nhiều ý kiến băn khoăn xoay quanh nội dung tại khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định có thể khiến nhà báo, người dân không được sử dụng thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình. Nhưng ông Hải khẳng định, quan điểm của Bộ Tư pháp thì nghị định này chỉ được quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, những tổ chức và cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì được kinh doanh.

“Nghị định này không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên trong dự thảo nghị định này không thể cấm anh A, anh B sử dụng thiết bị A, thiết bị B được. Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật”- ông Hải khẳng định.

Trước những ý kiến lo lắng về việc đề xuất của Bộ Công an có thể gây ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp, đấu tranh chống tiêu cực, ông Lê Đại Hải nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện thẩm định dự thảo này theo hướng ai đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh mặt hàng này, không quy định về việc ai được sử dụng”.

Trước đó, Dân trí phản ánh việc Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Điều khiến dư luận lo lắng, phản ứng nhất nằm ở khoản 3, Điều 4 dự thảo này, khi đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Theo Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu, hiện nay các quy định về xâm phạm bí mật đời tư hoặc xâm phạm đến an ninh quốc gia đã có các luật khác điều chỉnh. “Trong khi người dân ngày càng sở hữu, sử dụng nhiều điện thoại thông minh có chức năng ghi âm, ghi hình, định vị, nếu thêm quy định cấm đoán kể trên thì sẽ dễ phức tạp”- ông Hậu nói.

Chung nhận định, luật gia Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phân tích: Việc sử dụng điện thoại thông minh có chức năng ghi âm, ghi hình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Đó cũng là quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Khẳng định đề xuất nêu trong dự thảo nghị định trên là vi hiến, nội dung của nghị định đã vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ông Nguyễn Minh Tâm đặc biệt lưu ý tới hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, luật sư sẽ bị ảnh hưởng. “Đội ngũ nhà báo tác nghiệp báo chí, các luật sư hành nghề luật đều cần phải thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của Luật Báo chí, Luật Luật sư và các bộ luật như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... Nếu bị cấm đoán trong một nghị định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của họ”- ông Tâm đánh giá.

Thế Kha