"Dấu ấn" Nhật Hoàng tại bảo tàng Việt Nam
(Dân trí) - Ít ai biết tại Bảo tàng Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang lưu giữ tiêu bản cá bống trắng mà Nhật hoàng Akihito gửi tặng cách đây nhiều năm. Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã tới bảo tàng để thăm lại cá bống trắng, thành quả trong quá trình nghiên cứu của mình.
Đây là một trong những hoạt động trong chuyến công du lần đầu tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản từ ngày 28/2-5/3.
Là người say mê nghiên cứu các loài cá nước ngọt, vào những năm 1970, trong quá trình làm luận văn, Nhật hoàng khi đó là Hoàng Thái tử Akihito, đã phát hiện một loài cá bống trắng mới ở sông Cần Thơ, Việt Nam. Vào năm 1974, ông đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cá bống trắng tên tiếng Anh là Glossogobius sparsipapillus. Đây là loại cá có thân thon dài, phía sau dẹp ngang, đầu dẹp đứng, mõm dài và nhọn. Mắt cá bống cát trắng gần như nằm ngang trên đỉnh đầu với hai lỗ mũi tương đối gần nhau, lỗ mũi trước hình ống. Miệng cá rộng, xiên với hàm dưới hơi nhô ra và rạch miệng kéo dài đến bờ trước của ổ mắt.
Tiêu bản cá bống trắng Nhật hoàng đã gửi tặng Bảo tàng Sinh học từ năm 1974 (Ảnh: Nam Hằng)
Bên cạnh tiêu bản cá bống trắng, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2012, Hoàng tử Akishino - con trai của Nhật hoàng Akihito, cũng tới thăm Đại học Khoa học Tự nhiên và tặng Bảo tàng Sinh học 1 tiêu bản gà quý hiếm tại Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Với sự hướng dẫn của đại diện ban quản lý bảo tàng, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã đi thăm một số tiêu bản khác ngoài cá bống trắng và chú gà trống mà Hoàng tử Akishino trao tặng. Trước mỗi tiêu bản, Nhật hoàng và Hoàng hậu đều hỏi xem về tình trạng của loài này ở Việt Nam hiện nay như thế nào, còn khoảng bao nhiêu cá thể?
Đáp lại câu hỏi của Nhật hoàng, đại diện ban quản lý bảo tàng cho biết, hiện nay một số loài động vật hoang dã ở Việt Nam như cá sấu Dương tử, báo hoa mai hay chà vá chân xám... đang bị liệt trong danh sách nhóm rất nguy cấp. Chẳng hạn, cá sấu Dương tử chỉ còn khoảng 120 cá thể trên cả nước.
Hoàng hậu hỏi về sơn dương khi được biết loài này đang có nguy cơ sắp tuyệt chủng ở Việt Nam và nêu băn khoăn vì sao lại như vậy, có phải vì chúng bị săn bắn để phục vụ cho mục đích thương mại hay không?
Đại diện của bảo tàng giải thích, nguyên nhân săn bắn để lấy thịt, phục vụ các mục đích thương mại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút nghiêm trọng về số lượng của nhiều loại động vật hoang dã ở Việt Nam.
Nhật hoàng có những câu hỏi khá tỉ mỉ về các loài động vật được trưng bày trong căn phòng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ông đến cuộc sống của muôn loài trong thiên nhiên cũng như công tác bảo tồn.
Năm 1998, Nhật hoàng là người đầu tiên được nhận Huy chương Charles đệ nhị, do Hội Hoàng gia Luân Đôn trao tặng cho nguyên thủ các nước có đóng góp xuất sắc cho phát triển khoa học.
Nhật hoàng tươi cười vẫy tay chào mọi người trước khi rời Đại học Khoa học Tự nhiên
Rất đông người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam vẫy chào tạm biệt Nhật hoàng và Hoàng hậu
Nam Hằng
Ảnh: Tiến Tuấn