1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Có công trình bảo vệ rừng hơn 25 tỷ, gỗ quý vẫn liên tiếp bị mất

(Dân trí) - Dù đã đầu tư công trình hơn 25 tỷ gồm tường rào và các công trình bảo vệ khu rừng đặc dụng Đăk Uy, nhưng chỉ trong hơn 1 tuần gần đây tại đây đã liên tiếp xảy ra 5 vụ mất gỗ trắc…

Rừng đặc dụng Đắk Uy có diện tích khoảng 546 ha, nằm trên địa bàn hai xã Đắk Ma và Đắk Bring. Hiện nay, rừng đặc dụng Đăk Uy có nhiều loại gỗ quý sống hỗn giao như cẩm lai, giáng hương, đặc biệt là rất nhiều gỗ trắc...

Từ tháng 6/2016, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án xây hàng rào và các công trình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đặc dụng Đăk Uy, mà chủ đầu tư là Sở NN-PTNN tỉnh Kon Tum.

Theo đó, công trình này được xây dựng hơn 25 tỷ đồng, trích từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 còn tồn lại của tỉnh Kon Tum. Công trình được xây dựng nhằm bảo vệ khu rừng Đắk Uy rộng hơn 546 ha, cùng 6 trạm dừng nghỉ và 2 chòi canh lửa…

Rừng đặc dụng Đăk Uy liên tiếp bị mất gỗ trắc
Rừng đặc dụng Đăk Uy liên tiếp bị mất gỗ trắc

Khu rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, ngoài Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy thì Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã thành lập một đội đặc biệt khoảng 22 người mà đích thân ông Nguyễn Hoài Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum làm đội trưởng để ngày đêm tuần tra bảo vệ khu rừng.

Nhưng đến này 30/10/2016, khi đội đặc biệt rút khỏi để đi làm nhiệm vụ khác và để lại 7 người phối hợp tuần tra, thì liên tiếp xảy ra 5 vụ mất gỗ trắc (nhóm IIA, quý hiếm) trong vòng một tuần.

Cụ thể, các vụ vi phạm trong một tuần trong rừng đặc dụng Đăk Uy được bắt đầu từ ngày 30/11/2016 phát hiện mất một gốc trắc; ngày 31/11 đã xảy vụ khai thác 0,100 m3; ngày 3/11 vi phạm quy định chung về bảo vệ rừng; ngày 6/11 mất một cây trắc 0,107m3; ngày 9/11 phát hiện có 1 cây trắc bị khai thác tại khu vực lán số 2.

Cổng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy
Cổng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy

Trả lời về việc gỗ trắc bị mất liên tục, ông Nguyễn Hoài Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum - cho biết: “Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy trực thuộc Sở NN-PTNN tỉnh Kon Tum. Chi cục Kiểm lâm Kon Tum chỉ làm công tác hỗ trợ, phối hợp để tăng cường tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng. Ngay sau khi liên tiếp các vụ mất gỗ trắc xảy ra trong một thời gian ngắn, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp cùng với Ban quản lý rừng đặc dụng, Công an huyện tuần tra vòng trong. Đồng thời cùng với lực lượng chính quyền xã và dân quân đi tuần tra vòng ngoài để tăng cường tuần tra kiểm soát…”.


Công trình được đầu tư hơn 25 tỷ đồng với hệ thống hàng rào kiên cố nhưng gỗ trắc vẫn liên tiếp bị mất

Công trình được đầu tư hơn 25 tỷ đồng với hệ thống hàng rào kiên cố nhưng gỗ trắc vẫn liên tiếp bị mất

“Bằng mọi thủ đoạn, lâm tặc tổ chức thành từng nhóm nhiều người, trang bị hung khí, sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện… Tinh vi hơn các đối tượng lâm tặc còn ngụy trang các vật dụng để đào gốc, cưa cây rất nhanh. Khi thấy lượng chức năng phát hiện thì chúng bỏ chạy, hoặc chối cãi nên rất khó cho công tác xử lý…”, ông Tâm lý giải thêm.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum: “Việc bảo vệ khu rừng đặc dụng này của Ban quản ly rừng đặc dụng không tốt lắm. Nhưng để chờ kết luận thanh tra sẽ khách quan hơn…”.

Theo nguồn tin riêng của báo Dân trí, hiện Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tiến hành thanh tra Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy và sẽ có kết quả trong thời gian sắp tới.

Theo thống kê của của Ban quản lý rừng, những năm 90, khu rừng đặc dụng đặc biệt này diện tích gỗ trắc chiếm khoảng 30%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10%. Số gỗ trắc trong rừng đặc dụng hiện có từ 400 đến 800 cây. Theo đó, bình quân một kiểm lâm viên hiện nay ở Kon Tum quản lý khoảng 10.000 ha rừng, trong khi đó tại rừng đặc dụng Đắk Uy chỉ gần 600 ha nhưng phải bố trí tới hơn 20 kiểm lâm. Đồng thời, giữa khu rừng các chốt kiểm lâm mọc lên ngay bên cạnh các cây gỗ trắc.

Phạm Hoàng