Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói về vụ “cướp bánh mì”

(Dân trí) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều ngày 28/7, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, sau 15 ngày bản án sơ thẩm được tuyên, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, ông sẽ tiếp tục chỉ đạo Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM rút hồ sơ vụ án để xem xét lại.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 28/7.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 28/7.

Cụ thể, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhận định, có nhiều vấn đề bất hợp lý xung quanh việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn phạm tội cướp giật tài sản ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khi 2 bị cáo này đều chưa đủ tuổi thành niên khi phạm tội (mới 17 tuổi 1 tháng), cướp túi đồ ăn trị giá 45.000 đồng lúc quá đói, không gây hậu quả nghiêm trọng mà bị xử phạt 10 tháng và 8 tháng 20 ngày tù giam.

Bản án do TAND quận Thủ Đức (TPHCM) tuyên ngày 20/7 vừa qua dành cho Tân và Tuấn về tội “cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Mức lượng hình áp dụng với 2 người phạm tội chưa đủ tuổi thành niên này, theo vị lãnh đạo TAND tối cao, là quá nghiêm khắc, cứng nhắc.

Chánh án TAND tối cao giải thích, bản án sơ thẩm được tuyên đến hôm nay (28/7) mới được 1 tuần. Cần chờ trong vòng 15 ngày từ khi toà sơ thẩm tuyên án (thời hạn luật định cho hoạt động kháng cáo, kháng nghị - PV), nếu hết thời hạn này mà các bị cáo và gia đình không kháng cáo, phía VKSND TPHCM không kháng nghị nghĩa là bản án có hiệu lực thi hành.

“Khi đó, thẩm quyền xử lý thuộc toà án và tôi đã có chỉ đạo cụ thể với trường hợp này” – Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.

Cụ thể, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, mục đích chủ yếu của việc này là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội chứ không phải hướng đến việc trừng trị. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một biện pháp tư pháp khác (ví dụ như buộc công khai xin lỗi, đưa vào trường giáo dưỡng...). Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.

Từ những nguyên tắc được chỉ ra, Chánh án Toà Tối cáo cho rằng, việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết.

Theo đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình giao TAND TPHCM khẩn trương kiểm tra để xác định, nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TPHCM đối với bản án sơ thẩm, thì TAND thành phố thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Khi xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, như ông Nguyễn Hoà Bình nói ở trên, người đứng đầu cơ quan xét xử giao Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM rút hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Khi đó, lãnh đạo TAND Tối cao cũng đề nghị UB Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm vụ án.

Diễn biến vụ án:

Khoảng 22h ngày 17/10/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ Củ Chi), Ôn Thành Tân (ngụ Q.9) vào một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (Q.9, TP.HCM), cùng chơi game đến 10h ngày hôm sau.

Tiếp đó, Tân lấy xe máy chở Tuấn đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin làm việc. Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng cả hai không có tiền nên nảy sinh ý định cướp đồ ăn.

Đến trước một tiệm tạp hóa Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán hai bọc chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, một bịch đậu phộng rang muối và ba bịch me trộn đường.

Theo định giá tài sản trong tố tụng, số hàng này có tổng giá trị 45.000 đồng.

Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho công an phường xử lý.

Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội. Cả hai bị tạm giam từ ngày 18/10/2015.

P.Thảo